Xã hội

Bình Định dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong năm Covid-19

28/12/2020, 21:41

Mặc dù tăng trưởng thấp nhất giai đoạn 2011 - 2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19, Bình Định dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

img

Cục trưởng Cục Thống kê Bình Định Nguyễn Thị Mỹ

Ngày 28/12, Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 tăng 3,61%, Bình Định dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời vượt lên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả nước được Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố chiều 27/12 là 2,91%.

Trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 13.734,3 tỷ đồng, tăng 3,18% (bình quân cả nước tăng 2,68%); công nghiệp và xây dựng ước đạt 14.305,7 tỷ đồng, tăng 8,86% (cả nước tăng 3,98%); thuế ước đạt 2.209,9 tỷ đồng, tăng 2,04% (cả nước tăng 1,7%). Riêng khu vực dịch vụ chịu tác động tiêu cực dịch Covid-19 chỉ tăng 0,53%, giá trị ước đạt 19.440,2 tỷ đồng (thấp hơn cả nước 2,34%).

Theo đơn vị này, tuy tỉnh Bình Định không nằm trong nhóm có nguy cơ cao về dịch bệnh Covid-19, đến nay chưa xuất hiện ca mắc bệnh. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng chịu tác động bởi những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

“Năm 2020, nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường đạt 180 doanh nghiệp, giảm 8,2% so với cùng kỳ, có 74 doanh nghiệp giải thể, tăng 4,2% so với cùng kỳ và 357 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 37,8% so với cùng kỳ”, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Mỹ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước đạt 49.690,1 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD. Dù tăng trưởng thấp nhất giai đoạn 2011 - 2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực KT-XH, bão lũ, thì đây là thành công lớn của tỉnh.

Theo trưởng phòng Thống kê Xã hội (Cục thống kê tỉnh Bình Định) Nguyễn Thị Phương Liên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp thiếu nguyên, vật liệu đầu vào gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, hàng hóa tồn kho nhiều gây ra tình trạng ứ đọng, giảm chất lượng, tăng chi phí và khó khăn trong việc bảo quản. Doanh thu giảm mạnh vì hàng hóa xuất đi các nước bị hạn chế, gánh nặng lãi suất ngân hàng đến hạn, các khoản thuế, phí, bảo hiểm các loại...

“Đứng trước tình hình khó khăn đó, để đảm bảo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cắt giảm giờ làm của người lao động. Tại tỉnh Bình Định có khoảng 52 doanh nghiệp đề nghị tạm dừng đóng BHXH tương đương khoảng 5.600 lao động tạm thời phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên”, bà Liên cho hay.

img

Hạ tầng giao thông đồng bộ góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Định trong năm qua

Theo bà Liên, tỉnh Bình Định không nằm trong trung tâm dịch, chỉ bị tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng với chủ trương “Chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm, bảo đảm an sinh và sức khỏe cho nhân dân” tỉnh này đã xây dựng kế hoạch và có quyết định về việc thực hiện chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, Bình Định tiếp tục đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái “bình thường mới”, gắn với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn tín dụng, giải phóng hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu; đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính…

Riêng với 52 doanh nghiệp đề nghị tạm dừng đóng BHXH tương đương khoảng 5.600 lao động tạm thời phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. Hiện, đã xét 9 doanh nghiệp với 2.840 lao động tạm thời dừng đóng BHXH vào 2 quỹ hưu trí và tử tuất. Số doanh nghiệp còn lại đang xem xét và giải quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.