Xã hội

Bình Định: “Đất tặc” lộng hành, chính quyền thờ ơ?

24/05/2021, 14:00

Dù trên địa bàn huyện Tây Sơn (Bình Định) không có bất cứ mỏ nào được cấp phép nhưng tình trạng khai thác đất sét vẫn ồ ạt diễn ra...

img

Nhiều hầm hố để lại sau quá trình khai thác đất sét ở xã Tây Xuân

Xuyên đêm múc đất sét trái phép

Tối 19 - 20/5, bám theo đoàn xe tải đang vào “ăn đất”, PV tiếp cận cánh đồng thôn Thủ Thiện Hạ (xã Bình Nghi). Khoảng 22h, bầu không khí yên ả bị xé toạc bởi tiếng động cơ của 3 xe múc rền vang.

Tại đây, một người chỉ huy để điều phối các xe múc và xe tải ra vào. Dưới ánh đèn pha lập lòe, 3 xe múc gạt lớp đất phù sa trên mặt qua một bên để lấy lớp đất sét phía dưới. Khi đất sét đổ cao quá thành thùng, các xe tải phủ bạt và chạy ra khỏi cánh đồng.

Cứ thế, hàng loạt các xe tải logo Chiến Thắng BKS: 77C-051.15, 77L-0334, 77L-2004… chứa đầy đất sét chở ra khỏi cánh đồng thôn Thủ Thiện Hạ, vòng qua giữa khu dân cư rồi theo QL19 chở về các lò gạch ở xã Bình Nghi và Cụm Công nghiệp Tây Xuân (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn). Nhẩm đếm chưa đầy hai giờ, có đến 20 lượt xe tải chở đất sét ra khỏi khu vực này.

Tương tự, tại nhiều cánh đồng thôn 2 (xã Bình Nghi), tình trạng khai thác đất trái phép cũng diễn ra khá rầm rộ. Từ con đường bê tông thuộc Cụm Công nghiệp Tây Xuân, PV men theo con đường đất nhỏ mở sâu vào phía núi.

Giữa lưng chừng núi, một chiếc máy múc cạo lớp đất đỏ để vục gàu xuống lớp đất sét bên dưới đổ lên xe tải. Phát hiện có bóng người lạ, hoạt động này ngay lập tức dừng lại, hiện trường để lại là một bãi đất tan hoang. Trên nhiều cánh đồng xã Bình Nghi, dấu vết của nạn “đất lậu” để lại là những hố sâu, đất sét trộn đất phù sa nham nhở.

Dù hoạt động đêm, nhưng các điểm khai thác đất sét đều bố trí lực lượng cảnh giới, “chim lợn”, nhiều đối tượng sử dụng xe máy, đèn pin quần đảo, thậm chí hù dọa khi phát hiện người lạ xuất hiện.

Mua đất giá bèo, bán siêu lợi nhuận

Rạng sáng 20/5, PV tiếp cận hiện trường điểm khai thác đất lậu, liền bị một nam thanh niên xăm trổ chặn lại. Trong vai tài xế, PV được người này cho biết, đã mua thửa ruộng của hộ dân, rồi bán lại cho người thân khai thác. Mỗi xe đất (chừng 8 khối) mua tại ruộng có giá 750.000 đồng.

Theo một người dân (xin giấu tên), họ vừa bán đất ruộng cho một công ty trên địa bàn với giá 3 triệu/sào đất (500m2) nằm sát triền đồi thuộc thôn 2, xã Bình Nghi.

Sau đó, công ty này sử dụng máy móc khai thác lớp đất sét ở dưới để bán rồi cào lớp phù sa trả lại hiện trạng để tiếp tục canh tác.

Nhiều người dân cho biết, bình thường, 1 sào đất như vậy có thể lấy được hơn 300 khối đất sét, bán được khoảng 50 triệu đồng. Khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, các công ty, chủ lò gạch thông qua cá nhân để mua đất ở ruộng của người dân, rồi tổ chức vận chuyển.

Khuya 19/5, PV bám theo xe tải Chiến Thắng BKS 77L-2004 vừa lấy đất giữa cánh đồng thôn Thủ Thiện Hạ chạy vòng vèo qua khu dân cư rồi trực chỉ ra QL19, chở về hướng Cụm Công nghiệp Tây Xuân, sau đó mất dấu ở cụm nhà máy sản xuất gạch tại đây. PV trong vai người bán đất sét được ông B. (chủ một lò gạch thủ công ở xã Bình Nghi) cho biết: Một xe Chiến Thắng 8 khối như thế, nếu chất lượng đất đẹp để sử dụng làm ngói được mua với giá 2 - 2,2 triệu đồng. Còn đất xấu hơn, để làm gạch thì giá 1 - 1,5 triệu đồng.

“Hiện tại đang vào mùa, các lò gạch hoạt động mạnh nên có bao nhiêu đất chúng tôi cũng mua, không cần biết lấy từ đâu, chỉ cần tính tiền theo xe. Đất đổ, tiền trao, không cần hóa đơn chứng từ, giấy tờ gì cả. Lò của tôi thường mua đất sét ở những người quen khai thác trên địa bàn. Mỗi đêm họ thường chở đến hàng chục xe để bán”, ông B. nói.

Chính quyền thờ ơ?

img

Xe chở đất sét từ khu vực chân núi xã Tây Xuân ra ngoài khi phát hiện PV

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn huyện Tây Sơn không có mỏ đất sét nào được cấp phép. Chỉ có một số dự án công trình khi được triển khai có một lượng đất dư ra, có chất lượng giống như đất sét thì được tận thu.

“Đất tặc” lộng hành, nhưng khi PV phản ánh thông tin, đăng ký làm việc với các cấp chính quyền địa phương thì đều được “cáo bận”. Dù nhiều lần liên hệ, ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) đều không có phản hồi. Ngày 12/5, PV trực tiếp đến trụ sở UBND xã Bình Nghi nhưng không có ông Định ở phòng, PV liên hệ qua điện thoại thì vị này cho biết mình ra ngoài và cáo bận không thể làm việc.

Chiều 20/5, PV liên hệ ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) để tìm hiểu vụ việc. Qua điện thoại, ông Hùng yêu cầu PV đăng ký làm việc với văn phòng.

Nhưng khi đến trụ sở UBND huyện Tây Sơn, PV không thể gặp được bà Nguyễn Thị Thống, Chánh Văn phòng UBND huyện. Qua điện thoại, bà Thống yêu cầu PV gửi nội dung làm việc bằng văn bản cho văn phòng và cũng thông tin “lãnh đạo huyện bận cả ngày”.

Chủ lò, nhà máy gạch kiếm bộn tiền, Nhà nước thất thu thuế

Theo ông B., chủ nhà máy gạch tại Tây Sơn (Bình Định), một xe đất sét (8 khối) được mua vào với giá 2 triệu đồng, trộn lẫn với 2 xe đất sỏi (1,2 triệu đồng) sẽ làm ra 2 thiên ngói. Mỗi thiên ngói như thế được bán với giá 2,5 triệu đồng. Trừ chi phí nhân công (khoảng 1 triệu đồng/4 người), từ mỗi xe đất sét như thế, chủ nhà máy sẽ thu lời khoảng 1 triệu đồng. Lợi nhuận càng tăng lên khi sử dụng lượng đất sét nhiều hơn để làm gạch, ngói.

Trong khi đó, theo Quyết định số 02/2021 của UBND tỉnh Bình Định ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn, với đất làm gạch, ngói, tỉnh Bình Định quy định mức thu thuế là 119.000 đồng/m3. Như vậy, với một xe đất (8 khối) khai thác trái phép, số thuế thất thoát là hơn 950.000 đồng. Chỉ tính riêng điểm khai thác đất sét trái phép thuộc thôn Thủ Thiện Hạ, có thể dễ dàng nhận thấy mỗi đêm có gần 400 khối đất như thế bị lấy đi, số thuế thất thoát hơn 40 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.