Điều tra

Bình Định: Gấp rút khởi kiện cơ sở đóng tàu “rởm”

30/06/2017, 07:06

UBND huyện Phù Mỹ đã làm việc với ngư dân cùng` các luật sư, cơ quan chức năng...để củng cố hồ sơ khởi kiện.

tau-vo-thep

Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định gỉ sét nghiêm trọng

Ngày 29/6, ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết, UBND huyện vừa có 2 ngày làm việc với ngư dân có tàu thép hư hỏng cùng các luật sư, cơ quan chức năng nhằm thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, đưa ra thời điểm thích hợp nhất để ngư dân khởi kiện. 

Tại huyện Phù Cát (Bình Định), nhiều ngư dân có tàu thép hư hỏng cũng được UBND huyện tư vấn, hướng dẫn thủ tục khởi kiện. Việc gấp rút giúp ngư dân kiện cơ sở đóng tàu “rởm” ra tòa thực hiện theo chỉ đạo mới nhất của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu. 

Theo ngư dân Trần Minh Vương (trú xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), chủ tàu BĐ 99027 TS, đại diện cho các ngư dân có tàu hư hỏng, các chủ tàu liên tục bù lỗ thời gian qua dẫn đến kinh tế kiệt quệ, không có chi phí theo đuổi vụ kiện. “Chúng tôi mong UBND tỉnh Bình Định đứng ra hỗ trợ”, ông Vương nói.  

Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho hay, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vừa gửi văn bản tới UBND tỉnh Bình Định về việc sẽ trực tiếp vào Bình Định ngày 30/6 để khắc phục tàu vỏ thép do mình đóng mới cho ngư dân trên địa bàn bị hư hỏng, gỉ sét... 

Được biết, đây là văn bản thứ 2 chỉ trong 2 ngày Công ty Đại Nguyên Dương gửi UBND tỉnh Bình Định, sau văn bản ngày 27/6 vừa qua, với thái độ thiếu thiện chí khi yêu cầu ngư dân tự đưa tàu hư hỏng ra Nam Định kiểm tra và sữa chửa.

*Tại Quảng Nam, ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho biết, đã có đơn kiện Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (trụ sở tại Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở tại Hà Nội) liên quan việc con tàu vỏ thép 17 tỷ đồng đóng theo Nghị định 67 của ông vừa chạy thử đã hỏng máy, nằm bờ suốt từ tháng 3/2016 đến nay. Việc tàu tiền tỷ nằm bờ khiến ông Liên mất trắng 500 triệu đồng trả cho bạn tàu, nhưng giờ tất cả đã bỏ sang tàu khác làm việc.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Công ty Đóng tàu Bảo Duy hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á cung cấp máy tàu (máy Nhật Bản hiệu Mitsubishi) và Công ty Đóng tàu Bảo Duy có trách nhiệm lắp ráp dưới sự giám sát của các bên. Đến khi máy bị hỏng, Công ty Đóng tàu Bảo Duy chối bỏ trách nhiệm cho rằng, phía Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á phải bồi hoàn vì đơn vị chỉ đảm trách phần thân tàu. Bằng chứng do ông Nguyễn Quang Kỳ, Tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy đưa ra là dù nằm bờ, phần thân tàu đến nay vẫn vẹn nguyên như mới, không hư hỏng. 

“Chúng tôi cũng chịu thiệt hại khi chỉ mới nhận 3 tỷ đồng từ ngân hàng, trong khi số vốn bỏ ra ban đầu đến 10 tỷ đồng. Chúng tôi cũng muốn sự việc được giải quyết nhanh chóng”, ông Kỳ nói và cho biết, đơn vị đã đóng góp 600 triệu đồng để mua phụ tùng thay thế theo yêu cầu của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á nhưng không thay được vì máy hư hỏng quá nặng.

Tìm hiểu của PV, TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam), nơi tiếp nhận đơn kiện của ông Liên - đã 2 lần mở phiên tòa xét xử nhưng đều bị hoãn bởi nhiều lý do khác nhau. Vụ việc càng kéo dài, thiệt hại cho ngư dân Liên càng thêm nặng nề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.