Xã hội

Bình Định: Xã "bật đèn xanh", doanh nghiệp ồ ạt khai thác cát trái phép

20/03/2020, 19:00
image

Với lý do đổi cát để làm đường, xã Mỹ Tài (Phù Mỹ, Bình Định) tự ý cho DN Tân Tiến khai thác cát trái phép trên sông La Tinh rồi đem đi bán.

img
DN Tân Tiến huy động máy móc xuống khai thác cát trái phép ở sông La Tinh đoạn qua thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài

Ồ ạt khai thác cát trái phép

Thời gian gần đây, một số người dân phản ánh với Báo Giao thông về việc doanh nghiệp tự ý khai thác cát ở khu vực lòng sông La Tinh, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ, Bình Định) khiến họ bức xúc.

Những ngày trung tuần tháng 3, PV có mặt tại khu vực này để ghi nhận phản ánh. Khoảng 9h sáng 18/3, đoàn xe BKS: 77C-150.62, 77C-049.29… ồ ạt chở cát từ dưới sông La Tinh, đoạn qua thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) lên con đường đê sông rồi đi về hướng QL1 qua đường liên xã. Dưới lòng sông, một xe múc lớn liên tục “ngoạm” cát rồi đổ lên 2 xe tải đang đợi sẵn. Vị trí khai thác cát nằm ngay chân đê.

Các xe này sau khi “ăn” no hàng liền ì ạch bò lên con đường mở trái phép xuống lòng sông. Sau đó chạy bon bon trên đê rồi chở cát tỏa đi nhiều hướng. Ghi nhận của PV, dưới lòng sông, nhiều m3 cát đã bị lấy đi, lòng sông sau quá trình khai thác tạo thành những vũng lớn. Ngay trên thân đê và đầu đường ra vào khu vực khai thác cát, hai tấm bảng lớn được đặt với dòng chữ to rõ: “Nghiêm cấm hành vi khai thác đất, cát, đào ao, giếng…”. Tuy nhiên, lượng xe ra vào để lấy cát không đếm hết.

Thời điểm PV có mặt tại đây, nhẩm tính trong hai giờ đồng hồ từ 8-10h ngày 18/3, có đến hàng chục lượt phương tiện ra vào khu vực này để khai thác cát. Trích xuất dữ liệu đăng kiểm, phương tiện BKS: 77C-049.29 có kích thước thùng hàng (dài x rộng x cao) là 3500 x 2150 x 650. Tìm hiểu của PV, phương tiện này chở khối lượng cát lên đến 8m3. Như vậy, đã có hàng trăm m3 cát được lấy đi khỏi khu vực này mỗi ngày. Mỗi xe cát như thế được bán với giá từ 800 - 1 triệu đồng.

img
Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt

Việc khai thác cát tại khu vực này khiến người dân bức xúc. Họ lo ngại việc khai thác quá mức và tự ý mở đường xuống lòng sông sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông. Đoàn xe ồ ạt chạy trên thân đê và vị trí khai thác gần sẽ ảnh hưởng đến kết cấu đê điều, không khỏi phát sinh hệ lụy sau này. Một người dân địa phương thắc mắc, không biết ở đây được cấp phép hay không mà những ngày qua, hàng chục phương tiện thi nhau xuống khu vực này để lấy cát chở đi. Doanh nghiệp nào và chở đi đâu thì chúng tôi không biết.

img
Nhiều phương tiện chở cát trên đê ảnh hưởng đến kết cấu đê điều

Xã "linh động" đổi cát lấy đường

Theo tìm hiểu, các phương tiện trên của Doanh nghiệp tư nhân vận tải Tân Tiến (gọi tắt là DN Tân Tiến, đóng tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát).

Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) khẳng định: Hiện sông La Tinh đoạn qua thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) chưa được cấp thẩm quyền cho phép khai thác cát. Đồng thời, thừa nhận đây là sự “linh động” của địa phương, tạo điều kiện để DN Tân Tiến khai thác cát ở khu vực này chứ cơ quan chức năng không biết. Xã tự ý cho DN khai thác cát, bù lại, DN sẽ lấy cát để làm đường cho dân cũng như bán để đóng cho ngân sách xã.

Cụ thể, ông Long lý giải: theo nguyện vọng của người dân, muốn làm hai tuyến đường bê tông tại xóm Phú Diễn (thôn Kiên Phú) dài 560m. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên tạo điều kiện cho DN Tân Tiến xuống khai thác cát ở lòng sông đoạn qua địa bàn, sau đó chở đến để làm hai tuyến này.

“Tất nhiên nó (DN Tân Tiến - PV) cũng bán lấy tiền để kiếm đồng lời chứ ai làm không cho mình đâu. Việc này là sai, tuy nhiên chúng tôi linh động để DN này làm chứ đâu ai cấp phép. DN phải bán cát để nộp ngân sách, một phần làm đường cho dân, cả đôi bên đều có lợi?!”, ông Long nói.

img
DN đưa phương tiện xuống sông khai thác cát...
img
...rồi vận chuyển trên đê đưa đi khắp nơi

Khi được hỏi: nếu tạo điều kiện như thế thì DN tự ý rút ruột, ồ ạt chở cát đi bán?, ông Long khẳng định: "chúng tôi cho người đến kiểm tra, nếu vi phạm quy định đê điều sẽ cho xử lý. Đồng thời cho biết, DN này bán cát sẽ đóng cho kinh phí xã theo giá 3.500 đồng/m3 cát và việc khai thác cát này không có thời gian cụ thể mà ‘khai thác đến khi nào làm xong đường thì thôi?!”

Trái ngược với lời vị chủ tịch xã, ghi nhận của PV, không thấy sự kiểm tra của địa phương, DN khai thác cát sát đê sông, ồ ạt chở đi khắp nơi để bán, không có người kiểm đếm số lượng, không có ai đứng ra để quán lý việc các phương tiện này chở cát đi đâu, số lượng bao nhiêu.

Đại diện Sở TNMT tỉnh Bình Định cho biết, hiện chưa cấp phép cho đơn vị nào khai thác cát ở vị trí mà PV phản ánh. Việc để DN tự ý khai thác cát trên sông La Tinh như thế là sai hoàn toàn. Đồng thời khẳng định sẽ cho kiểm tra trong thời gian tới.

Đáng nói, DN Tân Tiến chính là đơn vị đã khai thác cát ở xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) gây sạt lở bờ sông La Tinh từng bị người dân các thôn Vạn Thái và Vạn Ninh 2 tụ tập chặn đường cản trở mà Báo Giao thông đã phản ánh trước đó. Việc DN này tiếp tục được xã "tạo điều kiện" để khai thác cát trái phép hiện nay khiến người dân không khỏi nghi ngờ về sự ưu ái của địa phương, làm ngơ để sai phạm tiếp diễn.

PV đặt câu hỏi: Tại sao DN này từng bị người dân phản đối gây mất an ninh trật tự địa phương trong thời gian qua mà nay xã tiếp tục cho đơn vị này khi thác cát ở đây?, ông Hồ Văn Long - Chủ tịch xã Mỹ Tài cho biết, vụ việc trước kia là do "ganh ăn tức ở" của 2 người dân địa phương đối với DN Tân Tiến này nên mới xảy ra chuyện kiện cáo đến báo chí?!.

Doanh nghiệp phân trần

Chiều 19/3, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đình Hận, Giám đốc DN Tân Tiến cho biết, do người dân tại xóm Phú Diễn (thôn Kiên Phú) còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông nên đã hợp đồng với con trai tôi xin đưa máy móc qua khai thác cát rồi làm đường cho người dân. Trong quá trình khai thác tôi sẽ được bán để bù lại tiền xăng dầu trong quá trình làm đường.

Ông Hận cũng cho biết giữa DN và xã không có hợp đồng về việc khai thác khối lượng cát, đóng góp làm đường bao nhiêu hay được phép bán bao nhiêu. Số lượng cát bán ra sẽ được xã ghi lại số liệu để thu thêm ngân sách chứ không có hợp đồng.

"Chúng tôi thỏa thuận sẽ làm đường cho dân, mọi chi phí chúng tôi chịu. Một phần cát sẽ được bán để trang trải chi phí. Lúc đầu con tôi cũng tưởng cát nhiều, sau khi khai thác cũng kiếm được chút lời nhưng giờ đưa máy móc xuống thấy cát ít hơn dự tính", ông Hận nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.