Bất động sản

Bình Dương chỉ đạo gì vụ doanh nghiệp tự ý hô “biến” 43ha đất công?

07/10/2019, 13:45

Tỉnh Bình Dương đang chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm vụ doanh nghiệp hô "biến" 43ha đất vàng với nhiều chiêu trò ma quái...

img
Vị trí khu đất vàng 43ha bị doanh nghiệp hô "biến"

Sáng 7/10, ông Lê Hữu Phước, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, vụ 43ha đất vừa được tỉnh công bố một số thông tin ban đầu với báo chí. Hiện, Thanh tra tỉnh đang điều tra, làm rõ vụ việc.

Theo tìm hiểu của PV, vụ việc Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) tự ý chuyển nhượng 43ha đất công không qua đấu giá với giá rẻ như bèo, gây lãng phí, thất thoát của Nhà nước số tiền rất lớn… Động thái này là bước xử lý tiếp theo của tỉnh sau một thời gian dài, nhiều tờ báo có loạt bài viết phản ánh về Tổng Công ty này.

Những chiêu thức hợp thức hóa 43ha đất công

Tiền thân của Tổng công ty Bình Dương là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé. Sau đó, năm 1982, Tỉnh ủy Sông Bé có quyết định thành lập Tổng Công ty Bình Dương. Sau khi tỉnh Sông Bé được tách thành Bình Dương và Bình Phước, Tổng công ty Bình Dương trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý với vốn 100% nhà nước.

Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghệ - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Đến tháng 4/2004, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 3393 về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu liên hợp này.

Tháng 11/2004 Tổng công ty Bình Dương đã ký Hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban quản lý dự án khu liên hợp Công nghệ - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương với số tiền hơn 414 tỷ đồng cho 567 ha.

Đến tháng 7/2010, Tổng công ty Bình Dương ký Hợp đồng thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc. Lúc này, cả hai thống nhất thành lập liên doanh với tên gọi là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) để xây dựng và kinh doanh trên khu đất 43 ha (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Trong đó, Tổng công ty Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ và Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

Tháng 12/2016, Tổng công ty Bình Dương tự ý ký Hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất này cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 581.000 đồng/m2 đất mà không thông qua đấu giá.

Tiếp đó, tháng 3/2017, Tổng công ty Bình Dương gửi Công văn đến Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xin chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú.

Tỉnh ủy Bình Dương sau đó đã ban hành Thông báo “đồng ý chủ trương cho Tổng công ty Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc”.

Đồng thời yêu cầu Tổng công ty Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký kết hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký kết hợp đồng, thu tiền theo đúng quy định. Đến giai đoạn này, Tổng công ty Bình Dương hết quyền tại Công ty Tân Phú.

Đáng nói, theo quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn, bảng giá đất ở đô thị khu vực TP.Thủ Dầu Một (bao gồm khu dự án 43ha) có mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,570 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn đến 42 lần so với giá mà Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú…

Tỉnh nói không cho góp vốn bằng… đất!

Trước những thông tin báo chí đã đăng tải, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vụ việc như: "việc Tổng công ty Bình Dương hô “biến” 43ha đất công ở vị trí đắc địa, không triển khai xây dựng Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú mà tự ý đem bán toàn bộ cả khu đất cho Công ty Tân Phú. Tổng Công ty Bình Dương đã “qua mặt” Tỉnh ủy, tự ý chuyển nhượng toàn bộ 43ha đất của dự án này cho Công ty Tân Phú với giá chuyển nhượng rẻ không tưởng nhưng cơ quan chức năng vẫn im lặng?

Ngoài ra, ngay sau khi thâu tóm thành công 43 ha “đất công” với giá rẻ bất thường, cơ cấu cổ đông của Công ty Tân Phú, ngày 29/6/2018, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đăng ký thay đổi lần thứ 6 thì thông tin chủ sở hữu của Công ty Tân Phú là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM và người đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Kim Oanh với chức danh Tổng giám đốc.

Không chỉ có vậy, từ 28/1/2018, Công ty Kim Oanh đã rất “tự tin” và rầm rộ làm lễ động thổ dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú với tên thương mại là Khu đô thị Mega City 3 tại khu đất 43ha nêu trên. Dự án đô thị này được quảng cáo với quy mô đến hơn 2.000 lô đất nền và nhà phố liền kề, diện tích từ 60-150m2.
Tới tháng 10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo số 512–TB/TU ký ngày 10/10/2018 quyết định thu hồi chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú để tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy. Đồng thời, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương đã giao cho Ban cán sự Đảng chỉ đạo, thành lập đoàn thanh tra để làm rõ các sai phạm.

Theo ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, 43ha đất nêu trên ban đầu do Tổng công ty Bình Dương (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Tỉnh Ủy Bình Dương) quản lý vào năm 2004. Tỉnh ủy chỉ cho Tổng Công ty Bình Dương liên doanh góp vốn bằng tiền với đối tác để lập ra công ty liên doanh Tân Phú chứ không cho góp vốn bằng đất, không cho bán, chuyển nhượng 43ha khu đất dự án.

“Lãnh đạo tỉnh không bao che và cho chuyển nhượng đất như vậy. Hiện, các cơ quan chức năng và Thanh tra của tỉnh đang thanh tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan...”, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.