Hạ tầng

Bình Phước - Gạch nối thông thương giữa miền Nam và Tây Nguyên

18/03/2022, 10:41

Dự án hai đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Đắc Nông - Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bình Phước là một tỉnh trong khu vực kinh tế miền Đông Nam Bộ, là cửa ngõ nối miền Nam với Tây Nguyên và có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tiếp giáp nước bạn Campuchia. Hạ tầng giao thông của tỉnh đang được chú trọng đầu tư cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn mới.

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hùng, Tỉnh uỷ viên - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước.

img

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Tỉnh uỷ viên - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước

Thưa ông, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và kết nối với các vùng kinh tế, quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Phước sắp tới như thế nào?

Quy hoạch giao thông của tỉnh có 2 trục lộ chính là QL13 và QL14. QL13 đi từ TP.HCM - Bình Dương - Chơn Thành (Bình Phước) - cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tiếp giáp Campuchia). Tháng 9/2021, Thủ tướng đã phê duyệt đoạn cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và hiện nay Bình Phước đang cùng TP.HCM và Bình Dương thảo luận về việc xây dựng tuyến cao tốc này.

Ngoài ra, cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành cũng đã được 2 tỉnh Bình Phước - Đắk Nông đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét đầu tư theo quy hoạch được duyệt, sau khi hoàn thành sẽ đưa Bình Phước thành cửa ngõ miền Đông Nam Bộ kết nối với Tây Nguyên và cùng với đường Hồ Chí Minh nối về các tỉnh miền Tây Nam Bộ (trục N2).

Như vậy, trong thời gian tới sẽ có 2 đoạn cao tốc qua tỉnh Bình Phước nối với các vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

img

Ngoài kết nối với TP.HCM qua cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành, Bình Phước còn có trục Đắc Nông - Chơn Thành kết nối với các tỉnh Tây nguyên; các tuyến quốc lộ nối với Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã phê duyệt 3 tuyến quốc lộ khác sẽ được thực hiện trong thời gian tới là QL13B, QL13C và QL55B từ Bình Phước đi Cát Tiên, nối với đường 20 đi Lâm Đồng.

Về quy hoạch nội tỉnh, Sở cũng tham mưu và được tỉnh thống nhất các tuyến đường kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai. Tất cả đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Trong số các tuyến này, tuyến nào được coi là cấp thiết cần được ưu tiên đầu tư?

Đối với các tuyến cao tốc, việc đầu tư thuộc Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia công đoạn giải phóng mặt bằng và làm các phần việc được giao. Còn phía tỉnh thì ưu tiên đầu tư các tuyến TP Đồng Xoài - huyện Đồng Phú - huyện Chơn Thành, đây là khu vực được xác định là tam giác phát triển động lực trong nội tỉnh. Hiện nay, các huyện Đồng Phú, Chơn Thành được hưởng lợi “vết dầu loang” từ phát triển công nghiệp, dịch vụ của Bình Dương nên Bình Phước sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông ở những vùng giáp ranh này bằng nguồn lực của tỉnh nhà.

Nền kinh tế tỉnh Bình Phước sẽ được hưởng lợi gì khi tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành hoàn thành, thưa ông?

Có rất nhiều thuận lợi. Hiện tỉnh Bình Phước chỉ có tuyến QL13 kết nối với TP.HCM là ngắn nhất. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đang có tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn (kết nối KCN Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương với các cảng hướng TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tuyến này khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ giúp Bình Phước có lợi thế vì “ké” được con đường này do KCN Bàu Bàng nằm giáp ranh Bình Phước, hàng hoá có thể qua đường này về TP.HCM hoặc các cảng Thị Vải - Cái Mép (BRVT) nhanh chóng.

Hiện nay từ Đồng Xoài (Bình Phước) về TP.HCM mất khoảng 3 giờ nhưng đi theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ giảm một nửa thời gian nhờ rút ngắn được khoảng 60-70km.

img

QL14 (đường Hồ Chí Minh) hiện hữu đoạn qua TP Đồng Xoài. Hiện mặt đường chỉ có 2 làn xe nhưng quy hoạch mặt cắt ngang 46m đã được GPMB, trải sỏi đỏ từ hơn 10 năm trước, thuận lợi cho việc mở rộng làn đường.

Chắc chắn với con đường mới thuận lợi như vậy, các nhà đầu tư sẽ cởi mở hơn để đến với tỉnh Bình Phước nhờ đoạn đường về các cảng, về sân bay nhanh chóng hơn. Thị trường địa ốc, bất động sản chắc chắn nhờ đó sẽ được hưởng lợi.

Về đường giao thông nông thôn của tỉnh, hiện được hoàn thiện như thế nào?

Hiện nay đường bê tông hoá của giao thông nông thôn tính đến xã, phường, thôn được trên 60%. Còn đường do tỉnh quản lý thì bê tông hoặc nhựa hoá là 100%.

Bình Phước có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và nhiều KCN nhưng không có sông ngòi, cảng biển. Vậy quy hoạch các cảng cạn IDC như thế nào, thưa ông?

Tỉnh có 2 cảng cạn. Một cảng ở KCN Minh Hưng (Chơn Thành); một cảng ở cửa khẩu Hoa Lư, đã bắt đầu thi công. Ngoài ra, tỉnh đang quy hoạch bổ sung một cảng cạn khác ở KCN Nam Đồng Phú - Bắc Đồng Phú. Như vậy sẽ có tất cả 3 cảng cạn, đủ đáp ứng nhu cầu kho bãi, logistics cho các ngành công nghiệp, dịch vụ trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Hiện tỉnh Bình Phước có đoạn cao tốc Chơn Thành – cửa khẩu Hoa Lư dài 79km, 6 làn xe. Riêng QL14 từ TP Đồng Xoài đi Chơn Thành (kết nối với QL13) tuy chỉ có 2-4 làn xe nhưng nhờ tầm nhìn của lãnh đạo các thời kỳ trước nên đã giải phóng mặt bằng với mặt cắt ngang 46m, đã trải sỏi đỏ hai bên lề đường, chỉ chờ mở rộng và thảm nhựa là xong, không phải vướng GPMB. Đây là yếu tố thuận lợi rất lớn để đầu tư hoàn chỉnh tuyến theo quy hoạch được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.