Làm báo cùng Giao thông

Blog phóng viên: Chuyện tác nghiệp giờ mới kể

29/01/2018, 08:52

Sau những bài báo lên khuôn là sự tận tụy, đam mê lửa nghề và có cả sự trả giá của người làm báo...

22

Nguyên TBT Báo GTVT Nguyễn Lưu

Thu không 

Đời làm báo, nhớ nhất là những buổi chiều tối. Nhất là những chiều đông. Đó là giờ biên tập những bài cuối và duyệt bản bông. Phòng làm việc dưới tán cây bồ đề bên chùa trườm sang. Gió mùa về, sương giăng, se lạnh.

Lá cây bồ đề xào xạc. Tiếng chuông thu không bên chùa ngân nga, chầm chậm, thẫn thờ.

Bỗng giật mình vì tiếng đuổi nhau, tiếng cười đùa của đám phóng viên trẻ. Chợt thấy lòng như trùng lại thư thái. Làm báo phải về muộn. Đói. Tối mọi người thường mua gì đó về ăn. Khi thì bánh rán mặn, ngọt ở phố Lý Quốc Sư (Hà Nội), khi thì bánh giò Hàng Da. Một chút cho ấm lòng.

Cứ thế rồi cũng vượt qua thời gian khó. Báo tăng từ 1 kỳ lên 2 kỳ, 3 kỳ rồi 4 kỳ/tuần. Ra báo điện tử. Đời sống cũng khá dần lên. Anh em bớt lo chuyện cơm áo. Hè, cả tòa soạn nghỉ mấy ngày nhân số gộp ngày 21/6 để đi nghỉ mát.

Tết thiếu nhi, Trung thu, Giáng sinh, con cháu mọi người đến quây quần. Tòa soạn như một gia đình lớn, yêu thương, đầm ấm.

Thấm thoắt đã gần hai chục năm trôi qua, vật đổi sao dời, người đi kẻ ở, mà sao lòng vẫn nhớ thương, khắc khoải…

Nguyễn Lưu (nguyên TBT Báo GTVT)

23

Tác giả trao quà hỗ trợ của Báo Giao Thông cho gia đình một nạn nhân TNGT

Cô ấy nói “không thích” ngay dưới bài báo

Đầu năm 2016, thông qua một cán bộ của Tỉnh đoàn Bắc Giang, tôi biết được câu chuyện về Hà Anh Mến, chàng thanh niên tật nguyền liệt hai chân sau một vụ TNGT nhưng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và có được tình yêu cổ tích bên người vợ xinh như hoa khôi.

Một ngày giáp Tết, tôi tìm về xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, Bắc Giang thăm và viết bài về vợ chồng Mến - Loan. Nhà Mến nằm tít cuối thôn Trại Mới, đường tới nhà quanh co, trơn trượt khó đi, nên 11h30 tôi mới đến nơi. Mến đón tôi trên xe lăn, đôi chân em buông thõng, làn da xanh tái yếu ớt; còn Loan xinh, trẻ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn chăm chút cho chồng. 

Vừa khơi gợi câu chuyện để vợ chồng Mến trải lòng, vừa chụp ảnh, vừa hỏi han người thân của Mến, khi tôi xong việc đã quá 12h trưa. Bố mẹ Mến đã nhanh tay chuẩn bị một mâm cơm, gà nhà nuôi, rau nhà trồng, thêm vài chén rượu nhỏ, ấm áp tình cảm của người dân vùng núi.

Sau bữa cơm, khi mọi người dọn dẹp, tôi và Mến nán lại bên chén trà, Mến  buột miệng: “Trước ngày xảy ra tai nạn, em đang chuẩn bị làm đám cưới với người bạn gái đã 6 năm yêu nhau. Tối hôm xảy ra tai nạn em và vài người bạn thân đi uống rượu chia tay đời độc thân. Sau tai nạn, cô ấy dành gần một năm chăm sóc em, gày rộc đi 6kg. Rồi bọn em cũng chia tay và một năm sau, người bạn gái đó đi lấy chồng”.

Khi bài báo “Chuyện tình như mơ của chàng trai tật nguyền do TNGT” lên báo, tôi chia sẻ link và tag hai vợ chồng Loan, Mến vào. Ngay lập tức, Loan vào bình luận: “Em không thích bài báo này” khiến tôi giật mình. Ngay sau đó, Mến inbox nói: “Vợ chồng em có lẽ chia tay chị ạ”. Thì ra, bài báo lên khiến Loan tự ái khi Mến “vẫn nhớ, vẫn nhắc đến quá khứ”.

Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, tôi bớt lo hơn bởi sự hờn ghen ấy chứng tỏ Loan rất yêu chồng, nhưng lại trách mình thiếu cẩn trọng khi cầm bút. Bởi bỏ đi chi tiết đấy, bài báo vẫn đầy đủ thông tin và hấp dẫn với bạn đọc.

Phải chăng, tôi đã “ham” đưa vào bài báo một tình tiết hấp dẫn mà không nghĩ thấu đáo tới cảm giác của người vợ trẻ yêu chồng. Tôi đã xin lỗi hai bạn trẻ, rồi sau rất nhiều giải thích, với sự giúp sức của các bạn bè chung, họ đã làm lành. 

Đôi vợ chồng ấy giờ đã có một bé trai 1 tuổi đẹp như một thiên thần. Đã có rất nhiều bài báo, chương trình truyền hình nói về Mến - Loan, nhưng với hai vợ chồng, tôi vẫn là người đầu tiên viết bài về họ, để đến nay, tôi như một người thân của gia đình nhỏ ấy, sẵn sàng chia sẻ với nhau những chuyện vui, buồn.

Hải Quỳnh (Phó ban Thường trú)

24

Phóng viên Hoài Thu (mặc áo bò xanh) tác nghiệp tại điểm nóng Đồng Tâm

Mất cả áo và ghi âm ở Đồng Tâm

Giữa tháng 4/2017, nhận được thông tin người dân Đồng Tâm đang bắt giữ trái phép 19 cán bộ, chiến sỹ liên quan đến việc giải tỏa đất đai, tôi lập tức nghĩ mình phải lên đường. Dù khi ấy chồng có “cản” vì sợ nguy hiểm, nhưng “lửa nghề” không cho phép tôi chùn bước, tôi trấn an chồng và quyết tâm về điểm nóng.

Những ngày ở Đồng Tâm khi đó là vô vàn cảm xúc và trải nghiệm đối với một người làm báo như tôi. Nhưng đáng nhớ hơn cả, có lẽ chính là ngày Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với bà con, tháo gỡ nút thắt ngay tại đây.

An ninh thắt chặt trên khắp các nẻo đường dẫn về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Không chỉ lực lượng chức năng hạn chế người ra vào, mà chính những người dân trong thôn cũng siết chặt kiểm soát. Họ chặn cây, chặn gạch đá khắp các ngõ ngách vào làng, chỉ cho đoàn xe biển xanh của chính quyền, công an vào cuộc đối thoại. Báo chí với người dân lúc này, phải nói thật là cũng không làm cho dân tin và không được phép vào làng, bởi khi ấy, người dân Đồng Tâm nói “chúng tôi không tin ai cả”.

Chính vì lẽ đó, việc tác nghiệp của phóng viên vô cùng khó khăn. Khi hầu hết các phóng viên bằng nhiều cách khác nhau đã vào được trong làng, tôi nhận ra mình gần như là phóng viên nữ duy nhất còn “lạc lõng” giữa một đám đông đang vô cùng bức xúc.

Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến rất nhiều tình huống có thể xảy ra, giống như bạo loạn ở nước ngoài, rồi nghĩ đến chuyện có thể bị người dân giữ lại, thu hết phương tiện tác nghiệp. Thậm chí, sẽ bị giam giữ dài ngày. Nhưng rồi, nỗi lo sợ ấy thoảng qua rất nhanh, trong đầu tôi chỉ còn suy nghĩ làm sao phải vào bằng được trong thôn để đưa tin sớm nhất về tòa soạn. Tôi kiên trì thuyết phục những người dân “canh cửa” và nhờ một sự trợ giúp của một người dân đã quen mặt, tôi lọt vào bên trong.

Tôi chọn vị trí ngồi ngay dưới chân cột phát thanh, trước cửa một quán cà phê để tường thuật cuộc đối thoại. Nhờ may mắn chọn được “vị trí đẹp”, mạng kết nối ổn định nên những thông tin ban đầu được truyền về tòa soạn và xuất bản rất nhanh. Mọi căng thẳng ban đầu dường như tan biến khi cuộc đối thoại thành công tốt đẹp và sau đó sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng không kém, đó là việc người dân sẽ thả các con tin bị giam giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành.

Xong việc tường thuật, tôi gập máy tính và chạy bộ gần 1km đến khu vực nhà văn hóa, chọn vị trí ngay trước cổng để tác nghiệp. Vài phút sau, chính quyền có mặt, người dân ùn ùn kéo đến khiến bầu không khí nơi đây ngột ngạt vô cùng. Mọi người chen lấn, xô đẩy nhau để có một chỗ đứng. Trong biển người khi ấy, tôi vẫn cố chen để chụp được vài bức ảnh, gõ được những thông tin cần thiết trên điện thoại để gửi về tòa soạn. Khi bị chen lấn đến ngạt thở, không thể nhắn tin nổi, tôi tường thuật luôn qua điện thoại cho thư ký ở nhà đánh máy, xuất bản.

Đến trưa, hầu hết anh em phóng viên ở hiện trường đều thấm mệt. Nhét chiếc máy ghi âm đang cầm trên tay vào túi áo, tôi phải cởi chiếc áo khoác bò vì quá nóng. Đột nhiên tình hình thay đổi trong chớp nhoáng, các sự kiện diễn ra dồn dập. Tôi cuốn đi mải mê tác nghiệp, đến khi xong xuôi, mới thấy áo không còn trên vai, chiếc ghi âm cũng không còn. Mất vài giây ngẩn người vì “tiếc của”, tôi lại vội lao đi tìm một chỗ ngồi để viết những bài còn lại.

Hoàn thành xong mọi việc, trời nhá nhem tối, lúc này mới bải hoải, thấy lạnh vì không có áo khoác, cũng mới nhận ra mình đã nhịn ăn, nhịn uống gần 10 tiếng đồng hồ. Nhưng trên đường ra lại cổng làng, nhìn thấy những nụ cười mãn nguyện của người dân Đồng Tâm và những câu chào, cám ơn nhà báo khác hẳn với thái độ giận dữ nghi ngại lúc ban đầu, tôi thấy vui lạ thường. Nhịn đói gần 1 ngày, mất cả áo khoác và máy ghi âm, không thể nói là không tiếc, nhưng thật lạ, tôi lại thấy đó là một kỷ niệm rất đẹp với Đồng Tâm. Vài anh thanh niên biết chuyện còn đùa “Lần sau nhà báo quay lại, thì các anh trả áo cho nhé”.

Hoài Thu (PV Ban Thời sự nội chính)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.