Thời sự Quốc tế

Bloomberg: Mỹ âm thầm khuyến khích các công ty mua phân bón của Nga

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Mỹ đã âm thầm khuyến khích mua phân bón của Nga.

Theo hãng tin Bloomberg, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt Nga và giá lương thực tăng vọt, Mỹ đã âm thầm khuyến khích các công ty nông sản và vận tải tăng cường mua phân bón của Nga.

Bloomberg cho biết hành động này của Washington là "một phần trong cuộc đàm phán phức tạp và khó khăn đang được tiến hành với sự tham gia của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm tăng nguồn cung phân bón, ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Nga và Ukraine".

Theo một nguồn thạo tin giấu tên, Washington đã cử 1 đại diện tới các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc dẫn đầu, diễn ra tại Moscow hồi đầu tháng này về vấn đề cung ứng phân bón.

Hiện tại Nhà Trắng chưa bình luận về các thông tin trên.

img

Nhà máy sản xuất phân bón ở Cherepovets, Nga

Theo Bloomberg, trước nay giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Điện Kremlin sử dụng lương thực làm vũ khí và ngăn chặn Ukraine xuất khẩu dù Nga cực lực bác bỏ.

Và trong các lệnh trừng phạt, Mỹ và EU đã có ngoại lệ cho phép xuất nhập khẩu phân bón với Nga – một lĩnh vực mà Moscow là nhà cung cấp toàn cầu quan trọng. Song, nhiều đơn vị giao vận, ngân hàng và bảo hiểm đều tránh xa hoạt động thương mại với Nga vì lo ngại có thể vô tình vi phạm quy định. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu phân bón của Nga sang phương Tây đã giảm 24%.

Ngạc nhiên vì mức độ cẩn trọng của các doanh nghiệp nên giới chức Mỹ dường như rơi vào tình thế nghịch lý khi phải tìm cách thúc đẩy các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.

Theo Bloomberg, dù Nga cho rằng việc các doanh nghiệp e ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ đang kìm hãm xuất khẩu ngũ cốc Nga nhưng nhưng tổng lượng xuất khẩu trong mùa này chỉ giảm 14%.

Xuất khẩu bột mỳ tăng gấp đôi trong tháng 5 – Theo Liên đoàn Ngũ Cốc của Nga.

Vấn đề này một lần nữa cho thấy thách thức mà Washington và các đồng minh phải đối mặt khi tìm cách tăng cường áp lực lên Tổng thống Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng đồng thời phải hạn chế thiệt hại đối với kinh tế quốc tế, trong đó có những mặt hàng thiết yếu mà Nga là nhà xuất khẩu lớn như khí đốt, dầu, phân bón và ngũ cốc.

Thực tế, giá của tất cả các mặt hàng này đã tăng mạnh kể từ khi xung đột nổ ra.

Hơn nữa, việc phân phối phân bón không đầy đủ trong năm nay có thể ảnh hưởng tới mùa màng của năm sau, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực có thể trầm trọng hơn.

Về phía Điện Kremlin, trong các cuộc đàm phán, Moscow cũng kêu gọi Washington cần đảm bảo chắc chắn với các doanh nghiệp nhập khẩu và những đơn vị giao vận phân bón, ngũ cốc không bị đưa vào danh sách trừng phạt.

Ông Ivan Timofeev, một chuyên gia về các lệnh trừng phạt tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga do Điện Kremlin thành lập nhận định: "Đối với Nga, điều thực sự quan trọng là giới chức Mỹ phải gửi tín hiệu rõ ràng rằng những giao dịch này là được phép và vì lợi ích của an ninh lương thực toàn cầu”.

Bên cạnh đó, các cuộc đối thoại để giải phóng hàng hóa Ukraine đang bị tắc nghẽn do ảnh hưởng của chiến sự diễn ra khá chậm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh nếu Kiev gỡ hết thủy lôi rải ở các cảng biển, như vậy tàu chở ngũ cốc có thể rời đi và không gặp trở ngại. Nhưng Kiev cho rằng họ không tin lời đảm bảo ngừng bắn của Moscow.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.