Xem - ăn - chơi

Bộ ba sách sử về Nhà nước Đại Cồ Việt

12/10/2017, 13:22

Ba cuốn sách sử về ba nhân vật Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Lê Đại Hành vừa được ra mắt.

Le Dai Hanh_Artboard 4 copy

Ba cuốn sách sử về ba nhân vật Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Lê Đại Hành vừa được ra mắt.

Sau gần thập kỷ tìm hiểu sử sách và những dư luận trong dân dã ở vùng đất Hoa Lư - Ninh Bình, tác giả Nguyễn Thiện Luân vừa cho ra đời bộ sách gồm 03 cuốn: “Đinh Tiên Hoàng đế” (Nhà xuất bản Thanh Niên), “Hoàng hậu nhị triều” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) và “Lê Đại Hành Hoàng đế” (Nhà xuất bản Hồng Đức).

Thông qua ba nhân vật lịch sử Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng đế), Dương Thị (Thái hậu Dương Vân Nga) và Lê Hoàn (Vua Lê Đại Hành), Nguyễn Thiện Luân đã tái hiện lại tinh thần yêu nước của tướng lĩnh và dân chúng thời đó. Đó là thời muôn dân trăm họ nhất tề đứng lên, đi theo ngọn cờ đại nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh, dẹp loạn 12 sứ quân để thống nhất non sông xã tắc và lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến độc lập thống nhất đầu tiên của nước ta.

Cả ba nhân vật lịch sử mỗi người một vẻ nhưng đã cùng với triều đình và muôn dân trăm họ, bằng mọi cách giữ vững và củng cố Nhà nước Đại Cồ Việt. Hiện nay, trong đền thờ của vua Đinh Tiên Hoàng, vẫn còn hai câu đối:

“Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo

Hoa Lư đô thị Hán Trường An”.

Đấy là thái độ rõ ràng của Đinh Tiên Hoàng đế khi khẳng định Nhà nước Đại Cồ Việt là ngang hàng với nước Tống và kinh đô Hoa Lư của Nhà nước Đại Cồ Việt cũng ngang hàng với kinh đô Tràng An của nhà Hán. Tinh thần đó còn được ghi trên chiếc cổng của đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng: Tuy đền thờ được xây dựng quay về hướng Đông nhưng chiếc cổng cổ ấy lại được xây quay về phương Bắc, mà trên cổng được khắc bốn chữ rất trang nghiêm đĩnh đạc là: “Bắc Môn tỏa thược”.

22449113_10203705049423670_549513439_o

 

Sau khi xưng Hoàng đế, vua Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong các quan trong triều với đầy đủ những chức sắc của một quốc gia độc lập. Vua Đinh Tiên Hoàng cũng đã tổ chức lại quân đội, đặt các hàm tướng sỹ, quyết định trang phục, mũ mão và giao cho quân đội vừa có chức năng luyện tập nâng cao sức chiến đấu, vừa sản xuất tự cung cấp lương thảo để nuôi quân đội và tích lũy lương thực, chuẩn bị cho những cuộc kháng chiến lâu dài.

Người đã góp công cùng nhà vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng Nhà nước Đại Cồ Việt độc lập thống nhất và hùng mạnh lúc bấy giờ chính là Dương Vân Nga. Bà là con của Dương Thái Huyền, một ông tướng dưới thời Dương Đình Nghệ. Dù về ở ẩn nhưng Dương Đình Nghệ luôn luôn dạy dỗ con gái mình đạo làm người, tinh thần yêu nước và cả những thế võ để khi cần thiết “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Dương Vân Nga lớn lên trong một gia đình nhà tướng nhưng cũng lại được sống với nhịp thở của xã hội thời đó. Đấy là tinh thần thượng võ của dân tộc. Bà kính trọng những người làm tướng và đem lòng yêu mến tướng quân Đinh Bộ Lĩnh. Nhờ một người tâm phúc, bà đã tìm được đến Đinh Bộ Lĩnh và trở thành người “sửa túi nâng khăn” cho ông, đồng thời cùng Đinh Bộ Lĩnh đồng hành trên con đường xây dựng một nhà nước độc lập thống nhất.

22429404_10203705049543673_1349831319_o

 

Bà là người yêu mến đạo Phật và cũng là người đưa vua Đinh Tiên Hoàng đến với chùa chiền và các nhà sư. Và tất nhiên, nhờ vậy mà đạo Phật đã trở thành tư tưởng chính thống làm cơ sở để xây dựng Nhà nước Đại Cồ Việt. Dương Vân Nga cũng là người góp phần đáng kể với nhà Vua để củng cố bộ máy hành chính, xây dựng thôn xã và giúp dân phát triển sản xuất từ nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp và buôn bán.

Lê Hoàn đến với tướng quân Đinh Bộ Lĩnh cùng thời với Dương Vân Nga. Từ một tỳ tướng của Đinh Liễn, ông cũng sớm trở nên một tướng tài với một lòng kính phục chủ tướng Đinh Bộ Lĩnh như một bậc thầy. Và cùng với Đinh Liễn, ông đã giúp Đinh Bộ Lĩnh rất nhiều trong công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân.

Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, Đinh Toàn mới 5 tuổi đã phải lên ngôi và Dương Vân Nga trở thành Thái hậu. Giữa lúc ấy, giặc Tống lăm le xâm lược bờ cõi nước ta. Thái hậu Dương Vân Nga đã kiến nghị với triều đình đưa Lê Hoàn về làm Phó vương. Ông đã vượt qua mọi lời dị nghị, sát cánh cùng Dương Vân Nga giữ gìn Nhà nước Đại Cồ Việt, hô hào toàn dân kháng chiến, luyện tập quân sỹ và chuẩn bị vũ khí hậu cần bất chấp những lời đe dọa và dụ dỗ của nhà Tống. Về sau, Thái hậu Dương Vân Nga đã đích thân trao cho Lê Hoàn Long bào, từ bỏ vị trí Thái hậu xuống làm thường dân.

Sau này, vì tiếc tài đức của Dương Vân Nga, nhất là khi trở về củng cố hậu phương xây dựng đất nước, nhà vua Lê Đại Hành đã đề nghị được phong Hoàng hậu cho Dương Vân Nga. Về phía Dương Vân Nga, bà thấy nếu không là Hoàng hậu sẽ không thể có những đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Bà chấp nhận hy sinh phẩm tiết của mình để trở thành Hoàng hậu dưới triều Lê. Bà đã giúp Nhà vua Lê Đại Hành củng cố triều chính, giữ nguyên các chức vụ trong triều, ổn định lòng dân, vỗ yên xã tắc và làm cho Nhà nước Đại Cồ Việt tiếp tục phát triển. 

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.