Xã hội

“Bố cậu là ai”?

05/03/2021, 06:55

Lâu nay đã thành giai thoại, thậm chí đi vào cả lời thoại Táo quân, cứ thấy tuổi trẻ ngồi ghế cao thì không tránh được câu hỏi: “Bố cậu là ai?".

img

Làm sao ngăn những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ. Ảnh minh họa VNN

Vụ con gái Bí thư một tỉnh làm Phó giám đốc Sở khi mới 31 tuổi mấy nay lại nóng trên mặt báo.

Dư luận xôn xao cũng phải thôi, bởi “con quan lại làm quan” là chuyện không hiếm nhưng “làm quan” dưới trướng, tuổi lại trẻ thì quả thật đáng quan tâm.

Lâu nay đã thành giai thoại, thậm chí đi vào cả lời thoại Táo quân, cứ thấy tuổi trẻ ngồi ghế cao không tránh được người đời hỏi thẳng: “Bố cậu là ai?”.

Vậy, phải làm sao để “con quan” mà thật tài thì vẫn hiên ngang với đời, với “chức tước, danh vị” trên vai?

Thiết nghĩ, các vị trí lãnh đạo cũng nên thi tuyển, như tuyển trạng nguyên ngày xưa, đỗ đạt thì vinh quy tự hào, không ai có quyền xì xào nghi ngờ gì hết.

Mà đỗ rồi thì sẽ phân bổ về vị trí phù hợp, hoặc khi xét tuyển, con cái người thân của các vị lãnh đạo không được thi vào vị trí quan chức dưới quyền của người ấy. Như thế mới rõ ràng, công minh. Bởi bố con, vợ chồng cùng làm lãnh đạo trong bộ máy sẽ không thể tránh khỏi những đan xen công tư khó xử. Khó công bằng với người khác.

Còn như hiện nay, nếu lỡ là người tài trong tỉnh, trong ngành mà có bố mẹ làm lãnh đạo tỉnh ấy, ngành ấy thì họ chỉ có cách tìm việc nơi khác, bỏ Nhà nước ra làm tư nhân mà thôi. Nếu có lên cao được cũng không tránh khỏi dư luận bàn tán này nọ. Một cơ chế không rõ ràng sẽ thiệt thòi cho người tài có đức, mà lại làm lợi cho người kém tận dụng cơ hội để lên cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.