Thời sự

Bỏ chấm điểm, phụ huynh và giáo viên cùng lo lắng

07/01/2015, 07:03

Sau một học kỳ thực hiện quy định mới thay chấm điểm bằng nhận xét, áp lực học hành tuy được giảm bớt, nhưng nỗi lo chất lượng giáo dục lại dần hiện hữu.

Phụ huynh lo lắng chất lượng giáo dục tiểu học khi thay đổi từ chấm điểm sang đánh giá bằng nhận xét Ảnh: Nguyên Anh
Phụ huynh lo lắng chất lượng giáo dục tiểu học khi thay đổi từ chấm điểm sang đánh giá bằng nhận xét

Bỡ ngỡ khi vào cấp II

Bốn ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, hai mẹ con bé Minh Anh (ở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vùi đầu vào ôn tập lại bài vở để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ I. Bởi trước kỳ nghỉ Tết, chị Thùy Linh (mẹ bé Minh Anh, học sinh lớp 3) giật mình khi nhận được kết quả điểm một môn Toán cho bài kiểm tra thử học kỳ I của con. Hoảng hốt kiểm tra lại, chị thấy khá nhiều phần kiến thức con nắm chưa vững. “Từ ngày trường bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét, rồi không giao bài tập về nhà, tôi cũng lơ là kiểm tra việc học của con. Nhiều lúc nhắc con học, thì con bảo “không có bài tập”, còn bố cháu thì cho rằng, “nhà trường còn không giao bài, cả xã hội đang hướng trẻ con được vui chơi đúng nghĩa, sao phải bắt con mình học. Con chơi riết, thành ra thế này”, chị Linh than. 

Anh Hoàng Anh Nghĩa (có con đang học lớp 5 trường tiểu học Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng lo lắng khi ngày nào hỏi tình hình học tập của con, cũng chỉ nhận được câu trả lời “bình thường, bố ạ”. Nếu như năm học trước, mỗi khi nhận về điểm 8 hay điểm 9, hai bố con lại cùng tìm lỗi sai để sửa, con đạt điểm 10 là bố thưởng, nhưng nay thì hai bố con không còn chế độ “thưởng điểm 10, phê bình điểm 8-9, phạt điểm 6-7” nữa.  

"Việc đổi mới đánh giá sẽ không áp dụng các tiêu chí mang tính đồng loạt với mọi học sinh. Hiệu trưởng phải chỉ đạo giáo viên tổ chức tổng hợp đánh giá quá trình phát triển năng lực, phẩm chất, ý thức của học sinh vào cuối học kỳ và khuyến khích, khen ngợi học sinh theo từng mặt”.

Ông Phạm Ngọc Định Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)

“Mừng vì con có nhiều thời gian nghỉ ngơi, nhưng thật lòng không khỏi lo lắng vì thấy con giảm ý chí phấn đấu học tập. Lo nữa là sang năm, bước vào cấp II, con lại quá bỡ ngỡ với cách học, cách chấm điểm”, anh Nghĩa tâm sự. 

Chị Nguyễn Diễm Lệ (giáo viên tiểu học ở quận Nam Từ Liêm) cho hay, đến thời điểm này, chưa thể đánh giá rõ ràng hiệu quả của phương pháp mới, nhưng thực tế cho thấy cả phụ huynh và học sinh đều dửng dưng hơn với chuyện học. Nếu như những năm học trước, vào thời điểm giáp kỳ kiểm tra, giáo viên thường xuyên nhận được điện thoại hỏi han về nội dung, cách thức ôn tập ra sao nhưng năm nay thì rất hiếm. Còn với học sinh học kém, thiếu ý thức thì phương pháp mới càng thiếu sự đôn đốc, giám sát.

“Chính việc không còn đo lường sức học bằng điểm số mà chỉ bằng lời nhận xét “không được chê mà phải khuyến khích” đã “ru ngủ” học sinh yếu, kém”, cô Lệ nói.

Thực hiện đơn phương, giảm hiệu quả  

Theo cô giáo Nguyễn Hoàng Hà (giáo viên tiểu học ở quận Hoàng Mai), phương pháp dạy học mới cần sự hỗ trợ của các phụ huynh mới cho hiệu quả, nhưng trên thực tế, chỉ có giáo viên “đơn phương” trong việc thay đổi phương pháp dạy và học. Dẫn chứng cho điều này, cô giáo Hà cho hay, để giúp các con hệ thống và chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ I, giáo viên đã xây dựng đề cương ôn tập, gửi về nhà và yêu cầu phụ huynh lưu ý, hướng dẫn con tự ôn tập theo đề cương. Thế nhưng, đến sát ngày thi, nhiều học sinh cho biết, bố mẹ không hề hướng dẫn con ôn tập theo đề cương.

Theo Thông tư 30, ngoài việc giáo viên theo sát, đánh giá học sinh, còn huy động việc tự đánh giá giữa học sinh - học sinh, phụ huynh - học sinh nhằm tăng cường sự trao đổi, giám sát giữa nhà trường, gia đình để định hướng giúp trẻ ngày một tiến bộ. Tuy nhiên, cô giáo Hoàng Hà cho hay, mỗi khi gửi bài kiểm tra có nhận xét về yêu cầu gia đình đánh giá, thì phụ huynh chỉ ký tên hoặc cùng lắm có ghi thêm “gia đình đã xem”. “Nếu chỉ giáo viên đơn phương thực hiện, e rằng không đạt được kết quả như kỳ vọng, nhất là một lớp có tới gần 60 học sinh như hiện nay”, cô giáo Hoàng Hà chia sẻ.  

Ngay với các giáo viên khối THCS cũng tỏ ra lo ngại về sự “không gây áp lực” cho bậc tiểu học, nhất là với học sinh cuối cấp. Theo cô giáo Trần Hương Lan (giáo viên trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), “thả lỏng” ở bậc tiểu học đôi khi lại gây áp lực cho các em khi bước vào lớp 6 với nhiều môn học hơn và cách đánh giá điểm số hoàn toàn khác.

Vũ Anh  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.