An ninh hình sự

Bộ Công an đề nghị phong tỏa tài sản của ông Trịnh Văn Quyết và người thân

14/04/2022, 18:53

Bộ Công an đề nghị tạm dừng giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, thế chấp với bất động sản, cổ phiếu... của anh em ông Trịnh Văn Quyết.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương về việc phối hợp phục vụ điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

img

Ông Trịnh Văn Quyết trước khi bị bắt

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an về tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết), bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết).

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) của ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân nêu trên.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã có văn bản đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng nhiều lãnh đạo FLC.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi các ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch để phục vụ công tác điều tra vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị các ngân hàng trên phối hợp cung cấp: Hồ sơ mở tài khoản; thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (VNĐ và ngoại tệ) sao kê tài khoản; sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) từ năm 2016 đến nay của các tổ chức, cá nhân (khóa chiều ghi nợ đối với tài khoản cá nhân).

Theo văn bản, cơ quan điều tra đề nghị ngân hàng phối hợp cung cấp nội dung thông tin trên từ ngày 1/12/2021 đến trước ngày 15/4/2022 đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh, Bùi Hải Huyền.

Cùng với đó là thông tin của 13 công ty gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty TNHH MTV Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC, Công ty Cổ phần FLC Quy Nhơn Golf & Resort, Công ty TNHH BOT khai thác và Quản lý bãi biển FLC Sầm Sơn, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quốc tế FLC, Công ty Cổ phần Giáo dục và đào tạo Việt Mỹ, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản FLCHomes, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty TNHH FLC Đồ Sơn Golf và Resort, Công ty Cổ phần FLC Travel, Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản Fam, Công ty Cổ phần TNHH đầu tư phát triển và quản lý khu công nghiệp FLC và Công ty TNHH thương mại dịch vụ và đầu tư phát triển Thịnh Phát.

Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào tối 29/3 về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Trợ giúp cho ông Quyết là 2 người em gái gồm Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.