Kinh tế

Bộ Công thương: Không nên buộc doanh nghiệp bán gạo cho dự trữ quốc gia

21/04/2020, 17:10

Bộ Công thương cho rằng, cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm thời điểm này.

img
Bộ Công thương cho rằng, cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm thời điểm này.

Hôm nay (21/4), Bộ Công thương cho biết đã gửi văn bản hỏa tốc trình Thủ tướng chính phủ giải trình về sự việc xung quanh "lùm xùm" xuất khẩu gạo, trong đó liên quan đến sự việc Bộ Công thương bị cho là không tiếp thu ý kiến từ Bộ Tài chính về đề xuất cấm những doanh nghiệp trúng thầu bán gạo cho Tổng Cục lưu trữ nhà nước tham gia xuất khẩu.

Liên quan đến sự việc này, Bộ Công thương cho rằng: Cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.

"Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn", Bộ Công thương nêu.

Theo Bộ Công thương, việc giao dịch, tham gia cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia được thực hiện theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Dự trữ Quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013. Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài cần được thực hiện theo quy định của pháp luật bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1%-3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính.

Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy.

Bộ Công thương cũng cho biết, mặc dù khối lượng để lại trong nước đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia, song Bộ Công thương vẫn đề xuất và được các Bộ, ngành đồng ý về việc để lại thêm 300 nghìn tấn từ số lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020.

Nên nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần có sự đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.