Thị trường

Bộ Công thương vì sao đề xuất giảm 30% giá mua điện mặt trời áp mái?

13/03/2021, 08:59

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, mức đề xuất giảm 30% giá mua đã tính đến việc giá thành đầu tư giảm thời gian qua.

img

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái với mức giá dự kiến giảm 30% và ban hành trong tháng 4 tới.

Giá thiết bị giảm nhanh

Liên quan đến dự thảo cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái từ mức 8,38 cent/kWh, dự kiến xuống mức 5,2-5,8 cent/kWh, tuỳ theo công suất lắp đặt của từng dự án, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng đã khẳng định: Điều này phù hợp với tình hình mới bởi với sự phát triển của khoa học công nghệ, giá thiết bị phục vụ cho việc lắp đặt điện mặt trời áp mái giảm nhanh.

Theo ông Dũng, nhờ vào những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ, chi phí thiết bị, sản xuất điện mặt trời mái nhà, mặt đất, mặt nước đã giảm rất nhanh. Đồng thời, hiệu suất của các tấm quang điện cũng tăng nhanh thêm khoảng 3%.

Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.

Đây cũng là loại hình năng lượng tái tạo tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối...

Do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

"Giảm giá điện mặt trời áp mái vẫn đảm bảo lợi ích nhà đầu tư"

Ông Dũng cho rằng, thực tế ở lần giảm giá điện mặt trời từ 9,35 cent một kWh (theo Quyết định 11) xuống còn 8,38 cent một kWh (Quyết định 13), sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng không giảm sút, sự đầu tư vẫn rất mạnh mẽ.

Dẫn chứng, điện mặt trời áp mái phát triển mạnh thời gian qua, đặc biệt là nhờ mức giá quy định trong Quyết định 13. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến cuối 2020, cả nước có khoảng 106.000 dự án điện mặt trời mái nhà, công suất gần 8.000 MW.

Vì vậy, theo ông Dũng, việc giá điện mặt trời áp mái giảm khoảng 30%, là phù hợp với tình hình mới, mức giá này được tư vấn đánh giá vẫn mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và sản xuất một phần điện để bán lên lưới.

"Mức giá này đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế rồi. Còn Nhà nước cũng có lợi vì có được giá điện hấp dẫn, là điện sạch, môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện" - ông Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.