Thị trường

Bỏ điều hành chu kỳ, để doanh nghiệp định giá xăng dầu?

25/02/2022, 10:42

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, cần xóa bỏ định giá theo chu kỳ, để doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh...

Phóng viên Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá về những áp lực khi giá xăng dầu liên tiếp tăng đến phục hồi kinh tế và việc điều hành giá xăng dầu thế nào để đảm bảo sát với diễn biến thế giới và tránh tình trạng doanh nghiệp găm hàng, bất hợp lý về hoa hồng.

img

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính)

Hiện giá xăng dầu liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm 2022, gây áp lực lên mặt bằng giá cả, điều này tác động ra sao đến đà phục hồi kinh tế nước ta hiện nay, thưa ông?

Tôi không phủ nhận những tác động bất lợi của giá xăng dầu thế giới tăng, kéo theo giá trong nước tăng, nhưng có lẽ khi đánh giá về vấn đề này, chúng ta cần đánh giá tất cả các khía cạnh tích cực và tiêu cực do giá xăng dầu tăng để có giải pháp ứng xử phù hợp.

Về mặt tích cực, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ kéo theo thu nhập từ hoạt động dầu thô tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) khai thác dầu, kinh doanh xăng dầu được cải thiện, cân đối thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ tốt hơn.

Giá xăng dầu trong nước tăng sẽ làm cho nguồn thu từ các loại thuế, phí của kinh doanh xăng dầu cũng tăng theo, giúp nguồn thu ngân sách tăng và suy cho cùng là chúng ta có thêm nguồn lực để đầu tư phục hồi kinh tế phát triển.

Song hành với tác động tích cực trên, giá xăng dầu còn có những tác động tiêu cực, gây ra những bất lợi cho nền kinh tế.

Cụ thể, tác động bao trùm nhất là đối với tăng trưởng kinh tế (GDP). Theo tính toán của một chuyên gia thống kê, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%.

Đối với lạm phát, theo tính toán của tôi, đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2/2022 tăng 3,90% thì CPI vòng 1 tăng 0,14%, tác động cả hai vòng tăng 0,35%, tổng chi phí của nền kinh tế tăng thêm 0,137%.

Đối với hai lĩnh vực kinh tế sử dụng nhiều xăng dầu như ngành vận tải, giá cước vận tải sẽ tăng thêm 1,36% và ngành thủy sản, chi phí đánh bắt xa bờ tăng thêm 1,95-2,34%.

Còn đối với tiêu dùng của các hộ gia đình, không chỉ tăng thêm 3,9% cho việc đi lại hàng ngày, mà còn tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa & dịch vụ tăng.

Như vậy, những tác động bất lợi trên là không hề nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đối phó nhằm giảm thiểu những tác động.

Quan trọng nhất là thực hiện chiến lược sử dụng xăng dầu của nền kinh tế và của DN. Sử dụng xăng, dầu hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí, giảm suất tiêu hao gắn liền với nâng cao hiệu suất sử dụng xăng, dầu trong cả sản xuất và tiêu dùng.

Đồng thời, chủ động, linh hoạt sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để kiểm soát có hiệu quả việc “bơm” và “hút” tiền trong lưu thông, đảm bảo lượng tiền cần thiết trong lưu thông, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh để xẩy ra vòng xoáy “giá lên, tiền ra và ngược lại” dẫn đến những cơn sốt đối với toàn bộ mặt bằng giá.

Kết hợp với giải pháp đó, có thể áp dụng các biện pháp tình thế về thuế, phí, lãi suất đề kiểm soát tốc độ giá tăng…

Dù việc tăng giá xăng, dầu ở thị trường nội địa theo biến động giá xăng dầu thế giới, nhưng đó là một trong những tác động gây khó khăn đến đà phục hồi kinh tế, theo ông, có thể giảm giá xăng dầu không, Nhà nước cần sử dụng biện pháp nào?

Chúng ta đã thực hiện cơ chế giá thị trường thì phải tôn trọng sự vận động của nó. Nếu giá thế giới tăng, chúng ta không thể kìm giá lại không tăng, hoặc giảm xuống, đi ngược với xu hướng thế giới.

Nhưng quan trọng, chúng ta không thể “thả nổi” để mặc cho giá tự do, tự phát “va đập”, gây ra những bất lợi cho nền kinh tế trong nước mà cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp bình ổn giá để kiềm chế mức độ tăng giá quá cao, nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi do nó gây ra.

Vừa đảm bảo để DN kinh doanh xăng dầu hoạt động bình thường, không để đứt gãy nguồn cung và mức độ tăng giá đó phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.

Do đó, các biện pháp đặt ra phải tính toán kỹ, có thể là các biện pháp tình thế để áp dụng linh hoạt, kịp thời và không vi phạm các cam kết quốc tế.

Cụ thể như: Áp dụng đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, trong đó có biện pháp điều chỉnh tăng giá có mức độ, kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá, xem xét giảm thuế, phí ở mức độ nhất định và tùy loại đối với thuế nhập khẩu, VAT, thuế bảo vệ môi trường.

Như năm 2002 và 2005 chúng ta đã từng giảm thuế nhập khẩu về mức 0% khi cú sốc tăng giá của giá thị trường thế giới xẩy ra.

Kể cả việc giảm lãi suất vay vốn, giảm lợi nhuận của DN kinh doanh xăng dầu để chia sẻ lợi ích, khó khăn giữa các thành tố tham gia thị trường trong những thời điểm giá thị trường có những biến động bất thường.

Thưa ông, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phản ánh tình trạng “càng bán càng lỗ” khi giá thế giới liên tục tăng, còn chu kỳ điều hành trong nước bị trễ 10 ngày. Theo ông, cần có giải pháp nào cho thị trường xăng dầu, hay phải trả nó về cho thị trường? Quản lý, điều hành ra sao để tránh tình trạng doanh nghiệp găm hàng, bất hợp lý về hoa hồng?

Theo dõi thị trường những ngày qua, tôi thấy phản ánh của DN là đúng sự thật!.

Sở dĩ như vậy là vì, trong điều kiện giá bán trong nước được điều hành theo biến động giá thế giới, nhưng giá thế giới liên tục tăng hàng ngày làm cho giá vốn bán lẻ hàng nhập về cao hơn giá bán lẻ hiện hành, mà giá bán hiện hành lại không được điều chỉnh.

Điều này khiến cho DN kinh doanh xăng dầu càng nhập về, càng bán ra càng lỗ là đương nhiên!.

Nguyên nhân gây tình trạng này không phải do lỗi kinh doanh kém cỏi của DN mà lỗi của cơ chế. Là một “nút thắt” mà DN không thể tự cởi. Tại sao như vậy?!.

Với cơ chế điều hành giá hiện hành quy định, chu kỳ điều hành giá là 10 ngày và lấy giá thế giới bình quân của chu kỳ trước để áp cho kỳ sau liền kề tiếp theo, nếu ngày điều hành rơi đúng ngày nghỉ lễ, tết sẽ lùi vào kỳ điều hành tiếp theo.

Như vậy, khi giá thế giới cứ tăng hàng ngày, giá bán trong nước cứ kìm lại không được điều chỉnh theo sẽ dẫn đến những bất cập “giá trong nước không bao giờ phản ánh sát đúng giá thế giới nên nó luôn lệch pha”.

Giá trong nước bị nén lại không điều chỉnh trong 10 ngày (thậm chí 20 ngày), nên khi điều chỉnh dễ bị tăng sốc theo kiểu bật lò xo.

Mặt khác, chính sự lệch pha nói trên đã gây lỗ cho DN kinh doanh xăng dầu, cửa hàng bán lẻ thì không có chiết khấu. Đẩy thị trường đến những phản ứng tiêu cực.

Hệ quả là tình trạng hạn chế nhập khẩu, đầu cơ, găm hàng, bán hàng nhỏ giọt, ngừng bán, đóng cửa…chờ giá lên!.

Ngược lại, khi giá thế giới giảm, sẽ xẩy ra tình trạng câu kết “chạy giá giảm” để tránh thiệt hại về tài chính thông qua hành vi xả hàng gấp, gửi hàng bán trước thời điểm chu kỳ điều hành giá…làm cho thị trường hoạt động bất bình thường, thậm chí rối loạn về cung cầu là không tránh khỏi.

Đó không phải là thất bại của thị trường mà là bất cập của cơ chế điều hành gây ra.

Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi cần phải cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu được điều hành theo giá thị trường nhằm xóa bỏ tình trạng “nửa vời” hiện nay.

Đó là, trả lại hoạt động kinh doanh tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường; Thực hiện đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; Đa dạng hóa các các phương thức kinh doanh, trong đó có các phương thức kinh doanh trong thị trường phái sinh.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường kinh doanh trái pháp luật; Xóa bỏ tình trạng bảo hộ bất hợp lý, không bình đẳng giữa các DN (ví dụ về việc bao tiêu sản phẩm) nhằm tạo môi trường DN được tự chủ thực sự trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Xóa bỏ việc định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng DN tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.