Giáo dục

Bộ GD&ĐT nói gì về tác phẩm "Chữ VN song song 4.0"?

09/04/2020, 07:55

Bộ GD&ĐT vừa chính thức lên tiếng về tác phẩm "Chữ VN song song 4.0" đang gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.

img
Bài thơ "Mưa Xuân" được 1 độc giả viết lại bằng "Chữ VN song song 4.0". Ảnh Tiền Phong.​

Bộ GD&ĐT cho biết, gần đây, trên báo chí và mạng xã hội có đưa tin, bàn luận về tác phẩm "Chữ VN song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã phát đi thông báo: "Hiện nay Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt".

Trước đó, ngày 25/3, tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho tác phẩm "Chữ VN song song 4.0” của mình.

Bộ chữ này chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. Hiện tại chữ viết cải tiến của tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình tạm thời được gọi là "Chữ VN song song 4.0".

"Chữ VN song song 4.0" có 3 thành phần cấu tạo bao gồm: Các chữ và vần Chữ Quốc Ngữ (CQN); Các chữ và vần Chữ Việt nhanh (CVN) và Ký hiệu dấu (KHD).

Chia sẻ với báo chí, tác giả Kiều Trường Lâm cho biết bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu từ năm lớp 2 – lớp 10. Năm 2012, anh phát hiện đề tài "Chữ Việt nhanh" – một kiểu chữ Việt ngắn gọn của tác giả Trần Tư Bình (hiện đang sinh sống và làm việc ở Úc) và sau đó đã phối hợp nghiên cứu.

Theo tác giả Kiều Trường Lâm, chữ Quốc ngữ là ngôn ngữ hay, có giá trị sử dụng cao trong đời sống, đi sâu vào tâm thức của mỗi người và nó đang lưu giữ giá trị lịch sử hàng thế kỷ của Việt Nam ta. Ngôn ngữ đó không thể thay đổi và anh cũng không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ mà chỉ đưa ra những cải tiến ở dạng viết tắt không dấu.

Giải thích thêm về công trình nghiên cứu, anh chia sẻ, ngay từ cái tên "Chữ Việt Nam song song 4.0" đã nói lên một phần mục tiêu là có thể sử dụng song song với chữ viết hàng ngày, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ.

Tuy nhiên, ngay khi công bố, bộ chữ cải tiến này đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều từ dư luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.