Giáo dục

Bộ Giáo dục nói gì về đề xuất trường công lập ở TP.HCM thu học phí cao?

04/05/2022, 16:25

Việc Bộ GD&ĐT đề xuất thí điểm tăng học phí trong trường công lập để chuyển sang mô hình “trường chất lượng cao” tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Bộ chưa có văn bản chính thức

Theo Dân Việt, trong buổi làm việc với Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP HCM ngày 25/4, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương, TP HCM có thể thí điểm.

img

Dù là đề xuẩt tiến hành thí điểm ở một số trường, nhưng việc thu học phi cao gây lo ngại sẽ làm khó các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa

Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận vì liên quan đến việc thí điểm tăng học phí trong trường công lập để chuyển sang mô hình “trường chất lượng cao (CLC)” vốn còn gây nhiều tranh cãi.

Trả lời Báo Giao thông, đại diện phía Bộ GD&ĐT cho biết, đây thực chất là trao đổi của phía Bộ về những nguyện vọng, đề xuất cơ chế của TP HCM. "Hiện, Bộ chưa có văn bản, hay đưa ra quyết định chính thức về đề xuất này", vị đại diện cho hay.

Trong buổi làm việc hôm 25/4, Bộ trưởng đề nghị TP.HCM đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong giáo dục và thực hiện bình đẳng trong hệ thống công và tư để hệ thống tư đóng góp vai trò hơn nữa trong hệ thống giáo dục.

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT nghiên cứu triển khai thí điểm việc chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao và lấy mức học phí này để chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương. Theo Bộ trưởng, đây là một việc mà TP.HCM có thể thí điểm cùng với Bộ.

Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng khẳng định, TP.HCM sẵn sàng là đơn vị thí điểm các cơ chế, mô hình mới phù hợp xu thế phát triển của thế giới cũng như nhận nhiệm vụ triển khai các chủ trương lớn trong giáo dục và đào tạo.

Trường công lập CLC có sai luật?

Theo tìm hiểu, Luật Giáo dục 2019 do Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/7/2020) không chấp nhận và đưa vào luật mô hình trường công lập CLC.

img

Nếu áp dụng theo Luật Giáo dục thì nhiều trường sẽ không được tiếp tục thu học phí nữa

Cụ thể, Điều 17 Luật Giáo dục 2019 nêu rõ: "Luật không quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC để bảo đảm môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đồng thời, quy định khuyến khích phát triển mô hình trường dân lập, tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục CLC nhằm huy động sự chia sẻ, tham gia của cộng đồng, của xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học".

Tuy nhiên, trước đề xuất với TP.HCM, TP Hà Nội vẫn tồn tại và tiếp tục nhân rộng mô hình trường công lập CLC vì cho rằng mô hình này được thực hiện theo quy định trong luật Thủ đô (ban hành năm 2012), dù không nói rõ trường công hay tư.

Cụ thể, Khoản 3 điều 12 của luật này quy định: “Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC trên địa bàn thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục CLC theo nguyên tắc tự nguyện”.

Hiện nay, tại Hà Nội có 14 trường công lập chất lượng cao, trong đó có 7 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 4 trường THCS và 1 trường THPT. Đây cũng là địa phương duy nhất có mô hình trường công chất lượng cao.

Trong khi đó, Điều 99 của Luật Giáo dục, quy định về Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo: “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.