Giao thông

Bộ GTVT cắt giảm gần 50% điều kiện kinh doanh không phù hợp

11/12/2017, 20:03

Trong 11 tháng của năm 2017, Bộ GTVT đã cắt giảm gần 50% điều kiện kinh doanh không phù hợp.

1

Chính phủ đề nghị Bộ GTVT đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn lực xã hội thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, PPP - (Ảnh minh họa)

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong 11 tháng và tháng 11 năm 2017. 

Tại báo cáo này, Tổ công tác cũng đánh giá cụ thể kết quả kiểm tra chuyên ngành tại Bộ GTVT. Báo cáo do Tổ trưởng, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ký nêu rõ, với sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ, cùng với sự đoàn kết, trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 10 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý ngành ngày càng được hoàn thiện; thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại ngành GTVT, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh các lĩnh vực của ngành; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong đảm bảo ATGT; công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý chất lượng công trình được tăng cường; có giải pháp hiệu quả trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT và cải cách thủ tục hành chính (có 246 dịch vụ công trực tuyến của Bộ đạt cấp độ 3 và cấp độ 4); đẩy nhanh tiến độ xây xựng phương án cơ cấu lại doanh nghiệp.

Theo Tổ công tác, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT có nhiều chuyển biến tích cực như: thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro chuyển sang hậu kiểm 125 mặt hàng; 107 mặt hàng được công nhận, thừa nhận lẫn nhau; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kiểm tra chuyên ngành, đã giảm trung bình 70% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp so với làm hồ sơ giấy; xây dựng và ban hành 82 quy chuẩn và 27 tiêu chuẩn Việt Nam; xây dựng và cắt giảm 46% điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cũng chỉ ra một số mặt Bộ cần triển khai quyết liệt trong thời gian tới như: vấn đề hút vốn vào hạ tầng giao thông; công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, chất lượng một số công trình giao thông; vấn đề tai nạn giao thông, tình trạng xe quá khổ, quá tải gia tăng cần được kiểm soát chặt hơn. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chuyên ngành còn một số bất cập như: một số mặt hàng còn chồng chéo giữa Bộ GTVT với các Bộ khác; còn một số thủ tục hành chính chưa triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu đề xuất Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn lực xã hội thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, PPP; Có biện pháp hiệu quả nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng công trình; tập trung xử lý những bất cập tại các trạm thu giá đường bộ.

Tổ công tác cũng đề nghị Bộ GTVT có biện pháp quyết liệt trong thu phí không dừng, doanh nghiệp nào không thực hiện, kiên quyết dừng thu phí. Chủ động rà soát tổng thể các mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ logistic và chủ động đề xuất mức giá phù hợp và công khai, minh bạch trong cách tính mức giá dịch vụ logistic để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Đề xuất cơ chế chính sách trong việc huy động, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư lĩnh vực đường sắt. Cùng với đó, Bộ GTVT cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc" và xe quá tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.