Quản lý

Bộ GTVT đề xuất tiếp tục giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải

17/11/2021, 11:56

Bộ GTVT đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải thêm 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngày 17/11, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đăng kiểm VN cho biết, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.

img

Xe ô tô kinh doanh vận tải hiện được giảm một phần phí đường bộ mỗi tháng, trong thời gian từ 10/8/2020-31/12/2021

Trước đó, Cục Đăng kiểm VN có văn bản đề xuất Bộ GTVT về nội dung trên, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do dịch Covid-19.

Theo quy định của Bộ Tài chính, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách được giảm phí sử dụng đường bộ hàng tháng, trong thời gian từ 10/8/2020-31/12/2021 (16 tháng và 2/3 tháng). Mức giảm là 10% đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, 30% đối với xe kinh doanh vận tải khách (tính trên mức phí phải nộp mỗi tháng).

Hiện biểu phí đường bộ có 8 mức phí, tương ứng với từng nhóm xe: 130.000-180.000-270.000-390.000-590.000-720.000-1.040.000 và 1.430.000 đồng/tháng. Khi phương tiện đi đăng kiểm lần gần nhất được tính bù trừ số tiền được giảm vào kỳ phí đường bộ phải nộp tiếp theo.

Được biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ theo đề xuất của Bộ Tài chính và ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.