Quản lý

Dồn lực chống bão lũ, không phân biệt quốc lộ hay đường địa phương

20/10/2020, 11:14

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị huy động tối đa nguồn lực, sẵn sàng khơi thông các tuyến đường đứt gãy do mưa lũ phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.

img
Trước diễn biến phức tạp của bão, lũ tại các tỉnh miền Trung, Bộ GTVT đã tổ chức họp yêu cầu các đơn vị tiếp tục chủ động phương án khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Đường bộ, đường sắt thiệt hại nặng

Sáng nay (20/10), Bộ GTVT tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn (CHCN).

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết, những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, QL1 qua địa phận các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh gần như tê liệt, có nơi ngập đến 2,5m. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, Tây, QL49 và QL49B đều bị chia cắt.

Trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh có 1 điểm và đoạn qua Quảng Bình có 11 vị trí ngập lụt. Hiện tại, đơn vị chức năng đang tổ chức chặn gác, hướng dẫn người và phương tiện không đi vào (trừ phương tiện cứu nạn).

“Về công tác huy động vật tư, thiết bị phòng, chống lụt bão, hiện, Tổng cục đã bố trí đầy đủ vật tư (dầm, rọ thép và các thiết bị khác) tại các khu vực, có thể vận chuyển trong nội bộ trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng khắc phục hậu quả do bão, lũ, sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt tại các tỉnh dự báo có lượng mưa lớn trong những ngày tới như: Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa - Thiên Huế”, đại diện này thông tin.

Với lĩnh vực đường sắt, ông Nguyễn Huy Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, mưa lũ từ 10/10 khiến nhiều vị trí đường ray bị ngập nước. Hiện đường sắt đi qua các địa phương đã được thông tuyến, duy chỉ có địa bàn tỉnh Quảng Bình còn 3 điểm ngập lụt, gồm: đoạn Km474 - Km479 thuộc khu gian Lệ Sơn, Minh Lệ; Đoạn Km556 - Km557 khu gian Mỹ Đức, Phú Hòa và Cầu Km560+200 bị xói hai mố.

“Trong sáng nay, nước tại các vị trí trên đã rút, Cục Đường sắt VN đang chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương tổ chức đánh giá và khắc phục các sự cố để đảm bảo ATGT”, ông Hiền nói và cho biết, hiện tại, do mưa lũ nên nhiều tàu hàng, tàu khách đã phải tạm dừng. Tại ga Đồng Hới, Quảng Bình hiện có hai đoàn tàu khách dừng chờ thông tuyến.

Đối với lĩnh vực đường thủy, theo ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, nước tại các tỉnh miền Trung dâng cao, toàn bộ hoạt động của phương tiện được yêu cầu dừng lại.

Về thiệt hại, theo ông Toàn tại hai tỉnh: Quảng Nam và Quảng Trị đã mất 34 phao báo hiệu, 65 cột báo hiệu do sạt lở, ước tính số tiền thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.

Trong khi hạ tầng, hoạt động của đường bộ và đường sắt bị gián đoạn, thiệt hại nặng, lĩnh vực hàng không vẫn đang cơ bản duy trì được hoạt động do không chịu quá nhiều ảnh hưởng, tác động tiêu cực của bão, lũ.

Ông Đào Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, ngày 18/10, do ảnh hưởng lũ lụt, tại sân bay Đồng Hới đã hủy 8 chuyến bay đi/đến, một số chuyến tại sân bay Vinh cũng bị hủy. Còn lại, tại các sân bay khác như Thọ Xuân, Phú Bài, Chu Lai (Thanh Hóa) chịu ảnh hưởng của bão cũng chỉ phải tạm đóng trong khoảng thời gian ngắn.

“Hiện ngành hàng không vẫn tích cực theo dõi cảnh báo từ Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế và họp trực tuyến với tất cả các hãng/cảng hàng không để chủ động đề ra phương án trước khi bão vào, nhờ đó, hoạt động bay vẫn được duy trì”, ông Chương cho hay.

img
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN (Bộ GTVT) yêu cầu các đơn vị huy động tối đa nguồn lực để khắc phục hư hỏng, sự cố trên các tuyến đường ảnh hưởng bởi lũ lụt, không phân biệt quốc lộ hay đường địa phương.

Chủ động nguồn lực, sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khi được huy động

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng ATGT, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN (Bộ GTVT) cho biết, những ngày qua, trước bối cảnh miền Trung “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các địa phương khắc phục thiệt hại của mưa lũ gây ra, huy động hơn 300 máy công trình, máy phát điện để đảm bảo ATGT, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

“Những ngày sắp tới, mưa lũ dự báo còn diễn biến phức tạp, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, các đơn vị phải tiếp tục huy động tối đa nguồn lực dự phòng, vật tư cần thiết hỗ trợ các tỉnh miền Trung trong công tác cứu hộ, cứu nạn, không phân biệt đường TƯ hay địa phương.

Trong đó, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến mưa, lũ trên tuyến QL1, sau khi lũ rút, vị trí nào hư hỏng phải khắc phục ngay.

Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN tàu cứu nạn chuyên dụng chốt trọng điểm tại khu vực miền Trung, sẵn sàng các phương án ứng cứu tàu, thuyền gặp sự cố.

Cục Đường sắt VN chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị vật tư, sẵn sàng khắc phục sự cố. Có phương án chuyển tải hợp lý khi tàu phải dừng. Đặc biệt, cơ quan quản lý đường sắt phải thực hiện nghiêm việc gác trực tại các vị trí đường ngang bị ngập để đảm bảo ATGT cho người dân và phương tiện”, ông Thạch đề nghị.

Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN (Bộ GTVT) cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục huy động các phương tiện, máy móc, sẵn sàng tham gia công tác thông đường, giải tỏa ách tắc khi được yêu cầu.

“Tổng cục và các Cục liên quan cũng phải rà soát, thống kê các hư hỏng, thiệt hại thuộc lĩnh vực quản lý để báo cáo Bộ GTVT bố trí kinh phí hợp lý và đề xuất các cấp chức năng xem xét phê duyệt kinh tế dự phòng kịp thời để công tác cứu hộ, cứu nạn diễn ra thuận lợi”, ông Thạch nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.