Quản lý

Bộ GTVT không còn giữ cổ phần tại Tổng Công ty Thăng Long

28/03/2016, 15:19

Bộ GTVT đã tiến hành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Thăng Long.

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cù
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký bàn giao giữa đại diện Bộ GTVT và SCIC

Sáng nay (28/3), Bộ GTVT đã tiến hành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TCT Thăng Long) về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với số lượng 10,5 triệu cổ phần, trị giá 105 tỷ đồng (chiếm 35% vốn điều lệ).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, năm 2014, TCT Thăng Long đã từng bước xác định giá trị doanh nghiệp tiến tới cổ phần hoá. Ngày 6/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 23 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa TCT Thăng Long với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước là 105 tỷ đồng (chiếm 35% vốn điều lệ).

Tiếp đó, ngày 28/4/2014, TCT Thăng Long đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Đồng thời, TCT Thăng Long đã tổ chức thành công việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)  với giá trị 21.600 đồng/cổ phiếu, gấp 2,16 lần so với quy định ban đầu.

“Đây là một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong IPO và cũng là đơn vị thể hiện được vai trò chủ chốt trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của ngành GTVT”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trường đề nghị TCT Thăng Long tiếp tục nghiên cứu để thoái hết phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp để có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các dự án ODA sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp cần khẩn trương tăng thêm vốn điều lệ để đáp ứng các điều kiện làm nhà đầu tư tại các dự án hạ tầng giao thông.

“Thời gian qua, TCT Thăng Long đã có những bước phát triển đáng kể, tuy nhiên, theo yêu cầu đặt ra doanh nghiệp còn phải tiếp tục đổi mới, nhất là việc tăng cường thêm vốn điều lệ. Một tổng công ty lớn ít nhất phải có hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ trở lên mới có điều kiện tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn”, Thứ trưởng Trường nói và lưu ý, thời gian tới, TCT Thăng Long cần tiếp nhận các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, mở rộng hội nhập quốc tế và nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên.  

Về phía đơn vị tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại TCT Thăng Long, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết, từ khi thành lập đến nay, SCIC đã thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của gần 1.000 doanh nghiệp, trong đó phần vốn nhà nước tại 44 doanh nghiệp được tiếp nhận từ Bộ GTVT với tổng giá trị 900 tỷ đồng.

“Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền cổ đông nhà nước tại TCT Thăng Long, chúng tôi sẽ phối hợp chặt với lãnh đạo trực tiếp tại doanh nghiệp để đổi mới phương thức quản trị, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Chi cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.