Quản lý

Bộ GTVT là hình mẫu về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp

09/12/2015, 21:11

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, nhiều cách làm của Bộ GTVT thành bài học, cơ chế chung cho cả nước.

DSC_1032222222222222222
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tạ Tôn

Nhiều cơ chế của Chính phủ được hình thành từ cách làm của Bộ GTVT

Chiều nay (9/12), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN). Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Chính phủ.

Tại Hội nghị, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty (TCT) Xây dựng đường thuỷ (Vinawaco) cho biết hiện trạng vô cùng khó khăn sau khi tiếp quản đơn vị này. Ngay buổi đầu về TCT, ông Tuấn đã thấy trên bàn làm việc 46 đơn kiện và một đống nợ nần tồn tại cùng các dự án không thể quyết toán. Bên cạnh đó đời sống của cán bộ, nhân viên vô cùng khó khăn vì bị nợ lương. Thế nhưng chỉ hơn một năm chuyển sang Công ty cổ phần đến nay không còn lá đơn nào, lương lao động tăng gần gấp đôi, trả đúng hạn. Toàn bộ máy móc thiết bị đã được đại tu, sửa chữa, mua sắm thêm là điều kiện để hoàn thành các dự án cả đường bộ, đường thủy…

Câu chuyện của ông Tuấn đã làm Phó Thủ tướng nhớ lại: “Năm 2006, tôi về làm Bộ trưởng Tài chính. Mới về mấy tháng đã có đơn kiện từ Vinawaco. Họ kiện vì hai tàu hút bùn vay ODA nhưng khi thanh lý thì giá trị còn rất thấp. Thậm chí vụ việc còn lên mặt báo và cho rằng có nguy cơ lợi ích nhóm. Tôi biết đời Bộ trưởng trước đã có đơn rồi. Thế mà sau cổ phần hoá (CPH) các đồng chí đã giải quyết cơ bản. Đây là những kinh nghiệm, bài học để tổng kết chung cho cả nước”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: “Quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc do chính sách chung nhưng lại áp dụng cho các lĩnh vực, doanh nghiệp khác nhau. Thế nhưng Bộ GTVT đã rất chủ động, có vướng mắc gì báo cáo ngay với Chính phủ, phối hợp tốt với các Bộ, ngành để tháo gỡ kịp thời. Có những cơ chế chính sách qua thực tiễn triển khai, sau khi có ý kiến của Bộ GTVT đã trở thành cơ chế chung, như việc bán vốn theo lô được Bộ GTVT có ý kiến nhiều nhất nay đã thành cơ chế chung…”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, đặc điểm của Bộ GTVT là có nhiều TCT có quy mô lớn về doanh thu, giá trị tài sản và có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế nhưng Bộ GTVT lại là cơ quan đi đầu thực hiện tái cơ cấu (TCC), sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đến nay còn hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó có tới 16 TCT quy mô lớn.

Bộ GTVT đã không chỉ tích cực thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các DNNN thuộc Bộ mà còn sắp xếp được các đơn vị sự nghiệp. Đây là việc làm hết sức phức tạp, khó khăn mà ngày cả Trung ương cũng phải thảo luận rất nhiều để thống nhất quan điểm vì nó tác động trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương của Trung ương, Bộ GTVT cũng là đơn vị đi đầu trong triển khai thực hiện. Bộ GTVT không chỉ thực hiện đầu tiên mà còn cho phép các đơn vị chuyển sang tự chủ và đồng thời thực hiện CPH luôn. Chính từ cái “nền” đó nên Chính phủ mới có cơ sở hoàn thiện các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện về CPH các đơn vị sự nghiệp, trong đó có lĩnh vực y tế.

“Đấy là những điều rất tích cực nhằm thoái vốn ở nơi Nhà nước không cần nắm giữ, để lấy vốn đầu tư vào chỗ Nhà nước cần nắm giữ và đầu tư vào các đơn vị sự nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Ngoài Bệnh viện GTVT và Nam Thăng Long, Bộ GTVT đã đề xuất tiếp tục thực hiện CPH 10 đơn vị nữa là các trường học. Chúng tôi đang cân nhắc các đề xuất này để hiệu quả cao nhất”, Phó Thủ tướng cho biết.

Tại Hội Nghị, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự thành công của các doanh nghiệp ngành GTVT sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới khi tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận trước thuế, thu nhập bình quân đều tăng nhưng nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu lại giảm…

Qua kết quả của Bộ GTVT, chúng ta khẳng định chủ trương TCC-CPH doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước là đúng, trong đó giải pháp chủ yếu là CPH. Kinh nghiệm thực tiễn từ Bộ GTVT cho thấy, để thực hiện tốt thì cần quyết tâm chính trị của lãnh đạo Bộ, mà đứng đầu là Bộ trưởng. Bộ trưởng Đinh La Thăng thường xuyên họp để chỉ đạo sát sao với quyết tâm rất cao và cùng quyết tâm của các đơn vị. Đây là kinh nghiệm, bài học chung cho cả nước.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp còn lại, thay đổi phương pháp quản trị và có biện pháp nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã thực hiện TCC-CPH thời gian qua. Phó Thủ tướng cũng đồng ý với các kiến nghị của Bộ trong công tác này và cho biết sẽ nghiên cứu để thực hiện.

Thay mặt Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn sự chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng trong việc thực hiện TCC-CPH doanh nghiệp của Bộ GTVT và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện công tác trên một cách quyết liệt, thận trọng để đạt hiệu quả, mục tiêu cao nhất.

DSC_10211111111111111111111
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng. Ảnh Tạ Tôn

Các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh sau tái cơ cấu

Trước đó, báo cáo tình hình triển khai công tác TCC-CPH doanh nghiệp 5 năm qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT triển khai CPH 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt. Đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp, trong đó có 12 Tổng công ty.

Trong số 137 doanh nghiệp thực hiện CPH, có 16 TCT có quy mô lớn như: Hàng không VN (VNA), Cảng hàng không VN (ACV), Hàng hải VN (Vinalines)... Trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm CPH 12 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Bệnh viện GTVT Trung ương và bệnh viện Nam Thăng Long. Đến nay, Bộ cũng hoàn thành CPH 10 Đoạn quản lý đường thủy. Trong 5 năm qua, Bộ cũng đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại 50 doanh nghiệp...

Sau TCC, CPH tình hình tài chính của các DN thực hiện TCC trong giai đoạn 2011-2014 rất khả quan. Tổng vốn chủ sở hữu nhà nước tại các TCT nhà nước đã tăng 200%, tỷ suất nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 200% (từ 3,52 lần xuống 1,76 lần) và tổng tài sản tăng 35%.

“Mức tăng trưởng của các chỉ tiêu trên cho thấy rõ hiệu quả của quá trình TCC, sắp xếp, đổi mới gắn liền với CPH doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, thông qua tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động hợp lý, tăng năng suất lao động nên thu nhập bình quân của người lao động đã có sự cải thiện rất đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, đảm bảo an sinh xã hội”, Thứ trưởng Trường cho biết.

DSC_09811111111111111111
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường báo cáo về kết quả thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015. Ảnh Tạ Tôn

Doanh nghiệp tích cực thực hiện cổ phần hoá

Tại hội nghị, lãnh đạo của các Tổng công ty đã và đang thực hiện công tác TCC-CPH doanh nghiệp đều khẳng định, công tác TCC-CPH là một chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả không chỉ cho Nhà nước, doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA cho biết, sau khi có Quyết định phê duyệt đề án TCC, VNA đã triển khai đồng bộ với quyết tâm cao độ với lộ trình cụ thể. Việc TCC được triển khai đồng thời ở Công ty mẹ và các công ty thành viên, trong đó trọng tâm là CPH Công ty mẹ đồng thời TCC, sắp xếp lại các đơn vị thành viên. TCT cũng kiên quyết thoái toàn bộ vốn ở Tổng công ty và các đơn vị thành viên tại các ngân hàng, sàn chứng khoán, bất động sản và các đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Đến nay đề án tái cơ cấu của TCT đã cơ bản hoàn thành và đạt kết quả tốt. Sau khi hoàn thành việc thoái vốn, TCT sẽ giảm được 15 doanh nghiệp trong tổng số 33 doanh nghiệp để còn lại 18 doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không và các DN liên quan đến dây chuyền dịch vụ vận tải hành không. Đến nay, Tổng công ty đã thoái 91% tổng số vốn cần thoái theo kế hoạch với số tiền thu được hơn 734 tỷ đồng…

Đại diện đơn vị công lập đầu tiên thực hiện thí điểm CPH và chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ 1/1/2016, TS. Trần Trung, Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương cũng chia sẻ: “Khi chuyển đổi mô hình, không ít cán bộ, nhân viên có tâm tư. Nhiều y, bác sĩ đã xin nghỉ hưu sớm nhưng cũng có nhiều bác sĩ trẻ, có trình độ xin về làm việc nên công tác khám chữa bệnh vẫn được bảo đảm. Là đơn vị y tế công lập đầu tiên thực hiện CPH, chúng tôi xác định đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Bệnh viện vừa IPO thành công với mức giá cổ phiếu cao (23.597 nghìn/cổ phiếu). Việc chuyển sang Công ty cổ phần sẽ giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì có quản trị tốt hơn, bổ sung các nguồn vốn của nhà đầu tư để tăng lương lao động, ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào điều trị”.

Là đơn vị được coi là có nhiều khó khăn trong công tác TCC-CPH, ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cũng cho biết, dù khó khăn nhưng lãnh đạo Tổng công ty luôn xác định tinh thần vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó. “Đến thời điểm này VNR đã IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công 14 doanh nghiệp còn lại 9 DN nữa sẽ thực hiện xong trước 14/12. Như vậy trong số 24 Công ty phải CPH trong năm nay thì chỉ còn 1 công ty xin phép lui lại thời điểm 30/12”, ông Thành cho biết.

Còn theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), sau khi thực hiện TCC, sáp nhập 3 Tổng công ty, sản lượng của ACV đã tăng trưởng từ 14,8 nghìn tỷ năm 2012 lên hơn 19 nghìn tỷ năm 2014. “Việc thành lập Tổng công ty là hoàn toàn đúng đắn, tạo sức mạnh to lớn cả về vốn, nhân lực, để phát triển trở thành một doanh nghiệp hàng không mạnh của Việt Nam và thế giới. Đây là một thành quả to lớn về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Bộ GTVT”, ông Hùng phát biểu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.