Hạ tầng

Bộ GTVT yêu cầu tăng tốc các dự án giao thông cấp bách

29/07/2021, 15:20

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu đơn vị liên quan phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công và trình chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban

4 dự án phải trình chủ trương đầu tư trong tháng 10/2021

Thông tin tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT sáng nay (29/7), ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, trong tháng 7/2021, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt 5 dự án với giá trị hơn 2.500 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch giao. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã duyệt 21/26 dự án với giá trị hơn 8.600 tỷ đồng. đạt 81% kế hoạch.

Bảo mật thông tin, duy trì ổn định hệ thống đăng ký “luồng xanh”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đảm nhận khâu trung gian giữa sản xuất và phân phối trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GTVT đã tập trung đưa ra các giải pháp, cung cấp đường dây nóng để kịp thời phối hợp với các địa phương giải quyết bất cập về giao thông, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, duy trì đời sống sản xuất. Nổi bật là giải pháp cấp mã QRCode cho phương tiện chở hàng thiết yếu qua “luồng xanh”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có thời điểm, hệ thống đăng ký thẻ “luồng xanh” bị xâm nhập, tấn công đòi hỏi Tổng cục Đường bộ VN tới đây phải phối hợp với các đơn vị, các tập đoàn công nghệ lớn để duy trì phần mềm, bảo mật thông tin, ổn định quá trình đăng ký, cấp thẻ lưu thông hàng hóa.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ thi công 14 dự án giao thông cấp bách (10 dự án đường bộ, 4 dự án đường sắt), cố gắng hoàn thành dự án trong năm 2021 để không bọ lỡ kế hoạch vốn. Trong đó, chú trọng rà soát quá trình triển khai đang gặp những vướng mắc gì, vướng ở địa phương nào để báo cáo Bộ kịp thời có ý kiến cảnh báo các địa phương.

“Đối với 11 dự án chuyển tiếp trọng điểm quốc gia, các Ban QLDA phải tăng cường trao đổi với địa phương để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.

Ngoài ra, hai dự án đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng phải xem là các dự án trọng điểm. Lãnh đạo các ban QLDA phải “lăn xả”, sát sao hiện trường để đảm bảo hiệu quả giải ngân và tiến độ dự án”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho biết, hiện có 6 dự án giao thông đã được Quốc hội bấm nút thông qua, đã được bố trí vốn ngân sách cần phải trình chủ trương đầu tư báo cáo Quốc hội.

Trong đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 10/2021, 3 dự án trọng điểm phải trình chủ trương đầu tư để báo cáo Quốc hội, gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Vành đai 4 Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Một dự án án khác là cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề cũng phải hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, trình chủ trương đầu tư trong tháng 10.

Hai dự án còn lại là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành do Bình Phước làm chủ đầu tư và Nha Trang - Buôn Mê Thuột, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 6 làm việc trực tiếp với các cấp chức năng tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và đơn vị tư vấn để xong chủ trương đầu tư dự án trình Chính phủ, chậm nhất là trong tháng 5/2022.

“Đối với 12 dự án nhóm A (vốn ngân sách Nhà nước từ 2.300 tỷ đến dưới 10.000 tỷ) Quốc hội đã bấm nút thông qua. Nếu đủ điều kiện, các đơn vị chuyên ngành của Bộ, Ban QLDA cần phối hợp hoàn thiện thủ tục, sớm trình chủ trương đầu tư lên Chính phủ xem xét, lập hội đồng tiến hành thẩm định, đẩy nhanh tiến độ triển khai”, Bộ trưởng nói.

Những dự án nhóm B, C phải xem xét nếu có dự án đầu tư PPP sẽ phải báo cáo Chính phủ hay thẩm quyền của Bộ. Dự án xây lắp nào sử dụng 100% ngấn sách nhà nước dưới 2.300 tỷ, thuộc thẩm quyền của Bộ, Cục QLXD&CLCTGT và các đơn vị thẩm định ngay sau khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành và Chính phủ có nghị quyết giao về Bộ GTVT”, Bộ trưởng yêu cầu.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, đáp ứng tiến độ hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL - Ảnh minh họa

Điều chỉnh thông tư, nghị định phải “cán đích” trước ngày 15/8

Chỉ đạo về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Nghị quyết 60 của Chính phủ đã yêu cầu các Bộ phải hoàn thành công tác điều chỉnh nghị định, thông tư trong quý 3/2021 để áp dụng ngay trong quý 4/2021.

“Để đáp ứng được tiến độ này, Vụ Pháp chế phải phối hợp với các Cục, vụ chuyên môn nghiên cứu các nội dung chồng chéo hiện tại để kịp thời tham mưu Bộ GTVT ban hành thông tư theo thẩm quyền.

Những nội dung thuộc Nghị định do trực tiếp Bộ GTVT tham mưu thì phải đẩy nhanh rà soát, báo cáo và trình Thủ tướng ban hành trước ngày 15/8. Đây phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, nếu thủ trưởng các cơ quan đơn vị không tham mưu kịp thời, lãnh đạo Bộ sẽ xem xét trách nhiệm.

Đối với các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đơn vị chuyên môn phải nghiên cứu, tổng hợp báo cáo để Bộ GTVT tham mưu Bộ Tư pháp sớm trình cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng nói.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, trong tháng 7, cơ quan chuyên môn của Bộ đã thực hiện rà soát 26 Luật, 1 Pháp lệnh, 2 Nghị quyết, 40 Nghị định, 1 quyết định và 24 Thông tư do cơ quan Trung ương Nhà nước ban hành có liên quan đến lĩnh vực GTVT; Đồng thời, rà soát 5 Luật, 12 Nghị định, 15 Thông tư do Bộ GTVT chủ trì trình hoặc chủ trì ban hành.

img

Công đoàn GTVT VN trao quà động viên tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT

Tại cuộc họp của Bộ GTVT sáng nay, Ông Đỗ Nga Việt, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GTVT, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN đã trao quà động viên tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT trong đảm bảo vận tải và phòng, chống dịch Covid-19 với mỗi suất quà trị giá 3 triệu đồng/người. Tổng số tiền trao tặng là 108 triệu đồng.Theo ông Việt, với sự tham gia kịp thời, hiệu quả của tổ công tác, đến nay hoạt động vận tải tại các tỉnh này đã ổn định, đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đáp ứng tốt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động thương mại, kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.