Quản lý

Bộ GTVT tiếp tục cải cách mạnh mẽ từ những quy định pháp luật

23/02/2016, 06:39

Đây là chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga khi trả lời Báo Giao thông...

3
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT

Tinh thần cải cách tiếp tục được đưa vào các VBQPPL

Xây dựng VBQPPL luôn được coi là việc quan trọng nhất của quản lý Nhà nước. Trong năm 2016, ngành GTVT đặt mục tiêu gì với công tác đặc biệt quan trọng này, thưa bà?

Đúng như bạn nói, tại Bộ GTVT, xây dựng VBQPPL luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý Nhà nước (QLNN). Quan điểm xuyên suốt này luôn được lãnh đạo Bộ quán triệt tại các cuộc họp bàn công tác xây dựng VBQPPL.

Trong 5 năm (2011- 2015), Bộ GTVT ban hành tăng hơn 300 Thông tư, Thông tư liên tịch so với nhiệm kỳ 5 năm 2006 - 2010. Kết quả này là sự phản ánh trung thực và khách quan nhất sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ và sự lao động nghiêm túc, đầy trách nhiệm của tất cả cán bộ, công nhân viên chức trong toàn ngành.

Mục tiêu trước sau như một của QLNN nói chung và công tác xây dựng VBQPPL của QLNN nói riêng là phải hướng tới người dân, DN. Suốt thời gian qua, chúng tôi luôn nỗ lực thực hiện đổi mới, cải cách vì sự hài lòng hơn của người dân và DN bằng những hành động cụ thể. Tinh thần này đã được đưa vào các VBQPPL, cơ chế chính sách mà Bộ GTVT xây dựng.

Tôi muốn nhấn mạnh, 5 năm (2011-2015) vừa qua là giai đoạn chứng kiến sự chuyển mình vượt bậc trong công tác xây dựng VBQPPL của Bộ GTVT, không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng văn bản, được dư luận đón nhận và đánh giá là những cải cách, đột phá trong xây dựng thể chế, chính sách.

Dư địa để cải cách còn nhiều

Nếu nhìn nhận thẳng thắn thì theo bà, đâu là hạn chế, là điểm chưa được trong công tác xây dựng VBQPPL ở Bộ GTVT?

Tôi phải thừa nhận rằng, thời gian qua, vẫn còn một số văn bản chuyên ngành GTVT chưa có sức sống lâu dài ngoài thực tế cuộc sống, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Các thủ tục hành chính trong các VBQPPL vẫn còn khá nhiều so với kỳ vọng của DN.

Ngoài ra, như bạn thấy, điểm số MEI 2014 của Bộ do DN đánh giá vẫn chỉ ở mức trung bình, trung bình khá. Điểm điều tra xã hội học trong chỉ số Par - Index của Bộ vẫn chỉ ở mức trung bình khá. Điều này có nghĩa là, chúng tôi vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phấn đấu, tiếp tục nỗ lực vì sự hài lòng hơn của người dân và DN.

Vậy theo bà đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Như tôi đã nói ở trên, xây dựng VBQPPL là một trong những công tác quan trọng nhất của QLNN và đương nhiên, đây chắc chắn không phải là một việc dễ làm. Tôi cho rằng, công tác xây dựng pháp luật chuyên ngành GTVT là một nhiệm vụ không hề đơn giản do các lĩnh vực trong ngành rất rộng và đòi hỏi sự nghiên cứu sâu về kỹ thuật, sự cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương...

Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận, trong quá trình xây dựng chính sách, chúng tôi cũng chưa lường hết được sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn xã hội.

Đó là chưa kể đến việc số lượng văn bản cần xây dựng và khối lượng công việc cần giải quyết để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn quá nhiều khiến cho quỹ thời gian dành cho mỗi công việc bị chia sẻ, giảm bớt.

4
Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trong năm 2016 - Ảnh: Ngô Vinh

Có quyết tâm và hành động quyết liệt chắc chắn có hiệu quả

Quay trở lại với nhiệm vụ năm 2016, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng những VBQPPL nào, thưa bà?

Theo kế hoạch, trong năm 2016, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); tổng kết và nghiên cứu sửa đổi Luật GTĐB. Cùng đó, Bộ cũng sẽ tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các văn bản thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm 24 nghị định, 3 quyết định, trong đó quan trọng nhất là các văn bản triển khai thực hiện Bộ luật Hàng hải năm 2015. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành 38 Thông tư của Bộ trưởng và phối hợp soạn thảo 7 Thông tư của bộ, ngành khác.

Ngoài những văn bản xây dựng theo kế hoạch, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn sẽ được thường xuyên cập nhật, nếu cần thiết sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung các thông tư, nghị định hiện hành....

Theo bà, Bộ GTVT cần sửa những quy định nào trong năm 2016 để tiếp tục cải cách làm hài lòng hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp?

Trong năm 2016, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các VBQPPL, rà soát các thủ tục hành chính để kịp thời ban hành, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Một trong những chỉ tiêu quan trọng được Bộ đặt ra trong năm 2016 là tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Do đó, các VBQPPL, cơ chế chính sách trong lĩnh vực vận tải sẽ tiếp tục được quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung. Trong đó, đặc biệt quan trọng là sửa Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xây dựng Nghị định quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT như: Đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, bảo đảm hàng hải…

Cùng đó, Bộ sẽ xây dựng các văn bản triển khai Bộ luật Hàng hải; Thông tư về cấp phép phương tiện vận tải nội địa; Xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng; Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định quy định về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung...

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.