Quản lý

Bộ GTVT yêu cầu xử nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý

20/08/2022, 15:02

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.

Kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

img

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm sâu nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm giá cước. (Ảnh minh họa)

"Các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá để ban hành hoặc kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung có vướng mắc, chồng chéo không phù hợp với thực tiễn tạo thuận lợi cho quản lý điều hành giá", Bộ GTVT chỉ đạo.

Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, các Cục chuyên ngành, các doanh nghiệp rà soát phương án giá đã kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Đối với hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, các Cục chuyên ngành, các doanh nghiệp thuộc rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

"Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; giá cước vận tải, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm", Bộ GTVT yêu cầu.

Giá xăng giảm, giá cước vẫn đứng yên

Trước đó, qua ghi nhận của Báo Giao thông tại nhiều địa phương cho thấy, tuy giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải không giảm giá vé.

Ông Hán Trọng Bằng, chủ hãng xe Cường An chuyên tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết, trước đây, khi giá xăng chỉ 15.000 - 16.000 đồng/lít, giá vé tuyến Hà Nội - Tuyên Quang là 100.000 đồng/vé.

Khi giá xăng tăng đến 26.000 đồng/lít vào tháng 4/2022 (tăng đến 68%), doanh nghiệp mới đề xuất tăng giá vé lên 120.000 đồng/vé (tăng khoảng 20%). Giá xăng hiện tại đã giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với thời điểm áp dụng mức giá cũ nên hãng cũng chưa đề xuất giảm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, sau khi điều chỉnh, mức giá mới sẽ còn từ 14.000 - 14.500 đồng/km, giảm khoảng 7%, gần tương đương với mức giá cước đã tăng, trong khi giá xăng thời điểm này còn ở mức 24.600 đồng/lít (cao hơn 7% so với giá xăng thời điểm các doanh nghiệp taxi đề xuất tăng giá).

“Mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn rất nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện là 150.000 đồng/xe”, ông Hùng nói và cho biết, vì chi phí lớn và mỗi lần đề xuất tăng/giảm giá cước mất nhiều thời gian, nhân lực để thực hiện nên trước khi triển khai các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có độ trễ sau các đợt giảm giá xăng dầu.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho hay, trong các chi phí đầu vào, giá xăng dầu được các doanh nghiệp dự báo giá nhiên liệu trên thị trường trung bình trong thời gian 3 hay 6 tháng. Doanh nghiệp không căn cứ vào giá xăng dầu trong kỳ điều hành 10 ngày để điều chỉnh giá cước.

“Đối với vận tải hàng hóa, thường hợp đồng giá cước được ký theo lô hàng và được vận chuyển trong thời gian dài. Vận tải khách thì phải đăng ký giá cước với cơ quan quản lý, phải cài đặt lại đồng hồ, phải in vé nên doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá cước theo chu kỳ này”, ông Quyền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.