Hàng hải

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì về Đề án di dời cảng Hoàng Diệu?

07/08/2022, 16:59

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có ý kiến gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN liên quan tới Đề án di dời cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng.

Ưu tiên sử dụng lao động đang làm việc tại bến cảng

Tại văn bản này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị làm rõ nhiều vấn đề như xem xét quan điểm ưu tiên sử dụng lao động tại các nơi mới và sử dụng hợp lý cho người lao động tại nơi cũ.

img

Việc nghiên cứu di dời bến cảng Hoàng Diệu cần đánh giá tác động đến đời sống cán bộ công nhân viên, người lao động tại cảng Hải Phòng

Cụ thể, việc di dời cảng cần nghiên cứu theo hướng ưu tiên sử dụng lao động còn trong độ tuổi lao động đang làm việc tại bến cảng Hoàng Diệu để hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống việc làm của người lao động.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị làm rõ tác động của việc di dời bến cảng Hoàng Diệu tới hiệu quả khai thác của các khu bến cảng Hải Phòng nói chung.

Đặc biệt, với bến cảng chùa Vẽ là cảng biển được đầu tư từ nguồn vốn ODA đang trong quá trình trả nợ, Bộ KH&ĐT lưu ý cần cần làm rõ khả năng trả nợ lãi vay ODA theo thời gian Hiệp định vay vốn của dự án.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, việc đưa nội dung “Cảng Hải Phòng tiếp tục đầu tư bến 7,8 và các bến tiếp theo của khu vực Lạch Huyện” vào phần đánh giá tác động của việc di dời là chưa phù hợp. Bởi hiện nay, Công ty CP Cảng Hải Phòng đang được giao làm chủ đầu tư các bến 7, 8 và các bến tiếp theo thuộc khu vực Lạch Huyện.

img

Cần nghiên cứu bổ sung các bến cảng về khả năng tiếp nhận các tàu biển trọng tải 40.000 - 50.000 DWT giảm tải hiện đang khai thác tại bến Hoàng Diệu

Một điểm nữa được Bộ này cho rằng chưa phù hợp liên quan tới tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Tuyến này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của cảng Hoàng Diệu, còn đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của TP Hải Phòng và các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, đề án Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN lại cho rằng, việc di dời bến cảng Hoàng Diệu dẫn đến việc khai thác tuyến đường sắt này sẽ phải dừng lại vì hàng hóa chủ yếu đang bốc dỡ tại bến cảng Hoàng Diệu.

Nghiên cứu thêm bến cảng tiếp nhận tàu biển 40.000 - 50.000 DWT

Đáng chú ý, tại văn bản này, Bộ KH&ĐT đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm các bến cảng khác (kể cả các bến thuộc cảng biển Quảng Ninh) ngoài bến cảng Chùa Vẽ và các bến tổng hợp, container hiện hữu trên sống Cấm về khả năng tiếp nhận các tàu biển trọng tải 40.000 - 50.000 DWT giảm tải hiện đang khai thác tại bến cảng Hoàng Diệu để hạn chế phải nạo vét vũng quay tàu và vùng nước trước bến cảng Chùa Vẽ.

Đồng thời, đề nghị TCT Hàng hải VN và Công ty CP Cảng Hải Phòng thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư khi quan tâm đầu tư các bến tiếp theo tại khu bến cảng Lạch Huyện.

Đối với những nội dung cụ thể của dự án liên quan đến Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị TCT Hàng hải VN và Công ty CP Cảng Hải Phòng liên hệ với UBND TP Hải Phòng và các cơ quan liên quan để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản xin ý kiến về đề án di dời bến cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng.

Đề án nêu rõ, bến cảng Hoàng Diệu là 1 trong 3 bến cảng của Công ty CP Cảng Hải Phòng có vai trò quan trọng của khu vực phía Bắc với công suất đạt khoảng 10 triệu tấn/năm. Bến cảng có quy mô gồm 11 cầu cảng, tiếp nhận cỡ tàu đến 50.000 DWT giảm tải.

Đây cũng là cảng duy nhất trong cả nước có hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia (Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) để vận chuyển các loại hàng rời như lưu huỳnh, quặng, a-pa-tit đến Lào Cai, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH khu vực phía Bắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.