Âm nhạc

Bỏ luật cấm ca sĩ “hát nhép”: Vừa buồn, vừa buồn cười

19/12/2020, 09:13

Từ ngày 1/2/2021, các ca sĩ có thể sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của mình.

img

Nghị định 144/2020 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn

Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có nhiều điểm mới.

Trong đó, Nghị định mới không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79 điều này khiến nhiều nghệ sĩ lên tiếng trăn trở về nền âm nhạc nói chung trong giai đoạn tới.

img

Ca sĩ Minh Quân cho rằng, có cấm hát nhép có thể làm thị trường biểu diễn âm nhạc bát nháo hơn

Ca sĩ Minh Quân: Có thể gây lệch lạc suy nghĩ của người trẻ

Ca sĩ Minh Quân nhìn nhận, hát nhép là điều luôn bị xã hội và giới ca sĩ chân chính lên án. Tình trạng hát nhép diễn ra ngay cả khi có luật cấm nên nếu bỏ luật cấm, không có chế tài xử phạt, sẽ không khác gì cho hát nhép được diễn ra một cách công khai. Điều này có thể khiến thị trường âm nhạc trở nên bát nháo hơn.

Tất nhiên, vẫn có những người quyết liệt chỉ hát live, nhưng cũng có người lập lờ. “Được cái, hát nhép ca sĩ sẽ rất “khỏe”, không phải lo về sức khỏe, ốm đau viêm họng… Khán giả lúc nào cũng được nghe nhạc hay như thế”, anh chia sẻ.

Nam ca sĩ thông tin, ở Hàn Quốc hay Thái Lan đều có những quy định về việc cấm ca sĩ hát nhép. Do đó, Việt Nam nên học hỏi những nước văn minh để mang tới sự văn minh cho ngành biểu diễn nghệ thuật.

Không chỉ vậy anh cũng đặt dấu chấm hỏi về việc buông lỏng quản lý nghệ thuật có thể ảnh hưởng ới sự văn minh của ngành nghệ thuật nước nhà. Cơ quan chức năng là đơn vị phải giám sát, đưa ra chế tài để mọi việc vào khuôn khổ, loại bỏ cái sai. Nhưng khi để mặc ca sĩ và khán giả tự định đoạt, có thể làm mọi thứ hỗn độn.

Có thể có những bầu show bấp chấp, chỉ thấy hiệu quả mà nhà tài trợ mang lại, chỉ cần những gương mặt có khán giả mà không cần chất giọng, miễn sao mang về lợi nhuận. Cũng có những gương mặt không có giọng hát nhưng vẫn được yêu thích. Khán giả của ca sĩ đó sẵn sàng “xù lông” bảo vệ thần tượng.

“Về lâu dài, đây sẽ là điều có thể khiến tư duy của các bạn trẻ lệch lạc. Có những người trẻ nhận thức chưa đủ, nếu mình không hướng cho họ biết đâu là đúng, đâu là sai thì không ổn”, Minh Quân tâm sự.

Văn Mai Hương: Đúng là sự thật mỉa mai

Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của giới làm nghề. Chia sẻ với Báo Giao thông, ca sĩ Văn Mai Hương cho rằng, đây là một sự thật mỉa mai. Khi nhiều năm nay, các nghệ sĩ trong nghề đều đấu tranh cho những điều đàng hoàng, tử tế của âm nhạc và đặc biệt là nạn hát nhép thì giờ có Nghị định mới bỏ cấm hát nhép.

img

Văn Mai Hương cho rằng, đây là một sự thật mỉa mai đối với giới làm nghề

“Tôi vừa thấy buồn, vừa buồn cười. Ở khía cạnh tích cực, có thể điều này để nâng cao trách nhiệm của mỗi người. Nghị định ra là một phần, nếu nghệ sĩ có lòng tự trọng thì phải tự nhìn nhận chuyện này như thế nào, chứ không phải vì không phạt mà vứt bỏ lòng tự trọng để lên sân khấu hát nhép”, nữ ca sĩ chia sẻ.

Cũng theo Văn Mai Hương, thị trường âm nhạc từ lâu đã nhiễu nhương. Sự thật là bao nhiêu năm qua, tình trạng hát nhép vẫn diễn ra, đặc biệt ở một số trường hợp kết hợp hát và vũ đạo. Chỉ có một số ít ca sĩ thực sự nhảy đẹp mà hát live tốt. Chỉ trừ một số chương trình của đài và những chương trình không đủ đảm bảo về âm thanh cho ca sĩ thì mới sử dụng phương án hát nhép thì lại thuộc khía cạnh khác.

Nữ ca sĩ cũng đánh giá với điểm mới ở Nghị định lần này, mỗi người ở khía cạnh khác nhau sẽ có cái nhìn riêng, tùy nhu cầu của họ và nhu cầu của khán giả. Nếu khán giả chỉ cần nghe, sẽ tìm những giọng ca thực sự. Nếu chỉ cần nhìn và xem trình diễn, không quá quan tâm âm nhạc, sẽ có người đáp ứng được. Bởi vậy mới có khái niệm ca sĩ và nghệ sĩ trình diễn.

Ngoài ra, khán giả hiện nay cũng văn minh và hoàn toàn có khả năng nhận ra đâu là hát thật, đâu là hát nhép. Sẽ tùy nhu cầu của mỗi người và sự chấp nhận của khán giả đến đâu.

Phương Trinh Jolie: Nghệ sĩ có lòng tự trọng sẽ hát thật để tôn trọng khán giả

Cũng nói về mối tương quan công chúng – nghệ sĩ, ca sĩ Phương Trinh Jolie tin rằng đây có thể là cơ hội để sàng lọc những gương mặt không đủ tài năng, năng lực ca hát. Bởi khi không cấm hát nhép, khán giả sẽ khó khăn hơn và để ý kỹ hơn.

img

Phương Trinh Jolie khẳng định, ca sĩ có lòng tự trọng sẽ biết mình phải làm gì

Theo giọng ca của “Có khi nào”, đã được gọi là ca sĩ thì phải có giọng hát hay. Nhiều ca sĩ trẻ không có đủ bản lĩnh sân khấu, giọng hát chưa đủ nội lực nên vẫn hát nhép. Tuy nhiên, để đi được con đường dài cần phải có thực lực. Nếu để khán giả phát hiện hát nhép là ca sĩ đã tự “đào hố chôn mình”.

“Ngay cả lúc cấm, tôi cũng thấy người ta hát nhép nhiều rồi. Nhưng người nghệ sĩ có lòng tự trọng thì có luật cấm hay không vẫn hát thật, đó còn là tôn trọng khán giả. Dù bỏ luật cấm, ca sĩ có lòng tự trọng cũng sẽ biết mình sẽ làm gì”, cô nói.

Phương Trinh Jolie cũng nói thêm, việc bỏ luật phạt hát nhép sẽ dễ dàng hơn cho những ca sĩ không có thực lực, vẫn ảo tưởng giọng hát của mình bởi kỹ thuật phòng thu. Khi lên sân khấu, họ sẽ chỉ biểu diễn chứ không phải hát bằng giọng thật.

Lúc này, chính khán giả sẽ là người “đưa ra ánh sáng” năng lực thật sự của nghệ sĩ đó, mọi việc sẽ ghê gớm hơn. Bởi thế, các ca sĩ nên trau dồi khả năng thanh nhạc, biểu diễn để có thể mang tới những màn trình diễn tốt nhất cho khán giả bằng giọng hát thật của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Bỏ phạt hát nhép tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thiếu ý thức, lơ là với nghề

img

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, việc bỏ quy định cấm hát nhép khiến nghệ sĩ dễ dãi, lơ là với nghề

Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, không có ca sĩ nào suốt ngày thích hát nhép. Tuy vậy, điều đó chỉ đúng với ca sĩ thật sự, có lòng đam mê, yêu nghề và lòng tự trọng với danh xưng của mình, chứ không đúng với những người nghĩ mình là nghệ sĩ biểu diễn.

Đối với anh, việc bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để biểu diễn không làm phát huy tính sáng tạo của văn nghệ sĩ. Trái lại, điều này tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thiếu ý thức, sống dễ dãi và lơ là với nghề của mình.

Họ có thể nghĩ rằng người khác hát nhép được, mình cũng hát nhép được nên không phải tập hát cho cực, cho tốn hơi. Trên thực tế, đã có khá nhiều ca sĩ hát nhép nhưng vẫn được đông đảo khán giả yêu thích và có nhiều show.

Anh không biết nếu hôm nay bỏ quy định cấm hát nhép vì để ca sĩ tự ý thức và chịu trách nhiệm trước công chúng, thì ngày mai có thể bỏ quy định ăn mặc trang phục lố lăng phản cảm vì chính ca sĩ cũng tự ý thức và chịu trách nhiệm trước công chúng hay không?

"Nếu những người quản lý nghệ thuật lại phó mặc mọi hành vi biểu diễn cho sự tự ý thức của nghệ sĩ, trông đợi vào sự tẩy chay của công chúng thì vai trò của người quản lý nghệ thuật liệu có còn cần thiết hay không?", nam nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ" nghi ngờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.