Chính trị

Bộ máy cồng kềnh, đông nhưng không mạnh

03/11/2016, 23:32

Sáng 3/11, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày thảo luận tại hội trường về nội dung Kết quả thực hiện kế hoạch...

23

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Quốc hội ngày 3/11

Đề xuất lập Ủy ban lâm thời thiết kế lại bộ máy hành chính

Dành trọn 7 phút trong phần phát biểu của mình đề cập về thực tại của bộ máy hành chính, ĐB Dương Văn Thống, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái thẳng thắn nhận định, tổng thể bộ máy hiện rất cồng kềnh, đông người, nhưng nhiều bộ phận không còn cần thiết cho công tác quản lý, điều hành. Các ban chỉ đạo cũng được thành lập quá nhiều, thực sự không cần thiết. Song hành với đó là tình trạng coi nhẹ, buông lỏng giáo dục cán bộ các cấp.

Theo ĐB tỉnh Yên Bái, nếu rà soát sửa đổi cả bộ máy hệ thống hợp lý hơn, ít tổ chức, đầu mối hơn, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ kiên quyết hơn, cộng với thực thi đúng luật pháp, chính sách gắn với rèn nắn phong cách, lối sống trong sạch thì sẽ giảm được chi ngân sách lớn cho bộ máy. Nguồn lực đất nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, tham nhũng, nhũng nhiễu sẽ giảm, niềm tin của dân được tăng lên. “Tôi đề nghị lập Ủy ban lâm thời của T.Ư tập trung rà soát tham mưu để trong vòng 1-2 năm thiết kế, rà soát, cắt giảm bộ máy nhân sự”, ông Thống nêu ý kiến.

ĐB Phan Việt Cường, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề cải cách hành chính chuyển biến chưa rõ, bộ máy từ T.Ư đến địa phương còn cồng kềnh, đội ngũ công chức, viên chức đông nhưng chưa mạnh, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn hạn chế. “Một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn. Có việc chỉ giải quyết trong vài ngày nhưng kéo dài cả tuần, nhiều tháng. Đây là trở ngại rất lớn khiến nhân dân than phiền, khiến nhà đầu tư lo ngại”, ông Cường nói.

“Đừng đặt con cháu lên lưng hổ”

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, song ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng đề nghị cần ưu tiên thông tin các vấn đề cụ thể, nóng bỏng từ thực tiễn. Dẫn một số sự cố máy bay quân sự vừa xảy ra, ông Quốc cho rằng, đây là mất mát và đau xót lớn, cần thông tin rõ về nguyên nhân và trách nhiệm tới công luận. Với sự cố môi trường Formosa, ông Quốc cho rằng, các cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời, đầy đủ hơn nữa trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra. “Có cử tri nhắc nhở chúng tôi, với nhiệm kỳ 5 năm, các vị hãy nghĩ tương lai lâu dài, đừng đặt con cháu chúng ta lên lưng hổ, để rồi đâm lao phải theo lao”, ông Quốc lưu ý.

Đồng tình, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng đề cập đến một loạt vấn đề nhức nhối nhiều năm qua chưa được đẩy lùi khiến lòng dân không yên: “Môi trường sống đang ngày càng xấu đi do ô nhiễm môi trường. Mức độ ô nhiễm tại các đô thị lớn được cảnh báo ở mức nguy hiểm, đáng báo động, là hiểm hoạ thường trực đối với đời sống nhân dân, điển hình như việc xả thải ra môi trường của Formosa là thảm hoạ lớn chưa từng có”, ĐB nói và đề nghị Chính phủ thể hiện rõ thái độ, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan vì đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Tìm hướng giải quyết các dự án nghìn tỷ đắp chiếu

Thảo luận về tình hình KT-XH, các ĐBQH đề cập đến thực trạng nhiều công trình nghìn tỷ đắp chiếu gây lãng phí lớn. Theo ĐB Phan Việt Cường, hiện chúng ta đang rất khó khăn về nguồn vốn thu hút đầu tư phát triển, nếu chưa đánh giá tác động toàn diện của các dự án thì dễ khiến dự án “chết yểu”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình thêm trước các ý kiến băn khoăn của các ĐB. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các dự án gây lãng phí hàng ngàn tỉ vốn Nhà nước như: Đạm Ninh Bình, Giấy Phương Nam, Gang thép Thái Nguyên…, Bộ Công thương cùng các bộ ngành đang tổng hợp, báo cáo kiểm tra toàn diện các dự án này để đánh giá thực trạng, quá trình điều hành thực hiện, trách nhiệm cấp quản lý, chủ đầu tư và xác định rõ những giải pháp để giải quyết thực hiện dự án theo nguyên tắc bảo vệ và giữ gìn hiệu quả vốn của Nhà nước. Đồng thời, có phương án giải quyết triệt để, đảm bảo không thất thoát thêm vốn của Nhà nước, phù hợp với những nguyên tắc của kinh tế thị trường và hiệu quả, mục tiêu, đầu tư dự án.

Chưa hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) xin tranh luận về dự án Ethanol. Là một người có kinh nghiệm trong nghiên cứu về năng lượng sạch, ĐB Huỳnh Thành Chung cho rằng, vào thời điểm nghiên cứu đầu tư dự án Ethanol của Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành, giá dầu cao nên hiệu quả của dự án Ethanol là có, nhưng sau đó do giá dầu thế giới suy giảm dẫn đến việc chi phí vận hành và chi phí kinh doanh của dự án Ethanol không hiệu quả. “Nhưng bản chất của dự án Ethanol cồn sinh học, nếu pha trộn với xăng chỉ 5% thì chúng ta sẽ giảm được khí thải về ô nhiễm môi trường lên tới trên 20%. Vấn đề này chúng ta không thể tính toán, không thể xem đó chỉ là vấn đề đầu tư về kinh tế đơn thuần mà phải xem cả về tác động xã hội cũng như vấn đề môi trường của quốc gia chúng ta hiện nay”, ĐB phân tích.

Ông Chung cũng lấy dẫn chứng cụ thể ở TP.HCM và Hà Nội, hiện nay khí thải do các phương tiện giao thông thải ra đã vượt ngưỡng và có mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư ở các đô thị lớn. Trước tình trạng đó, ĐB kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ cần có “lăng kính” xem xét kỹ lưỡng các nhà máy loại này. “Cần xem xét theo khía cạnh các dự án như dự án Ethanol có hiệu quả nhất định, không hiệu quả về mặt kinh tế nhưng lại có hiệu quả về mặt môi trường, xã hội. Cần có chính sách để đối với các thành phố lớn có lượng xe lớn, mật độ dân cư cao thì sẽ có hướng để khuyến khích người dân tăng tỷ lệ sử dụng xăng pha Ethanol 5%, như vậy sẽ tránh lãng phí tài sản, vì hiện nay tài sản nhà máy đã đầu tư rồi, chúng ta không thể đập bỏ đi. Tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách đưa các nhà máy Ethanol này vào hoạt động trở lại, và chúng ta phải có chính sách truyền thông để nhân dân ủng hộ”, ĐB kiến nghị.

Bộ trưởng bộ KH&ĐT giải trình việc dùng 10,5 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế

Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã giải trình trước QH về đề án tái cơ cấu nền kinh tế với nguồn lực là 10,5 triệu tỷ đồng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%, trong đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ mà điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước. Từ đó, ông Dũng cho rằng, cần phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng các biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt, tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực Nhà nước, trước hết là doanh nghiệp Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.