Doanh nghiệp

Bộ nào bị đề cử có chính sách tệ nhất?

22/02/2016, 08:58

Lần đầu tiên VCCI thực hiện việc bình chọn 10 quy định pháp luật tốt nhất và 10 quy định tồi tệ nhất.

8

Quy định về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vừa ban hành đã bị khai tử (Trong ảnh: Cán bộ công chức Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) kiểm tra linh kiện, máy mócnhập khẩu) - Ảnh: Lương Bằng

Lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận đặt hàng của Chính phủ thực hiện việc bình chọn 10 quy định pháp luật tốt nhất và 10 quy định tồi tệ nhất. Đến nay, đã có hàng loạt đề cử của các cá nhân, DN, Hiệp hội… gửi về cho Ban Tổ chức cuộc bình chọn.

Chính sách vừa ban hành đã bị “khai tử”

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, đến nay, VCCI đã nhận được 220 đề cử của các cá nhân, DN, Hiệp hội… gửi về cho Ban Tổ chức cuộc bình chọn 10 quy định pháp luật tốt nhất và 10 quy định tồi tệ nhất.

Được nhắc tới đầu tiên và nhận được nhiều đề cử của các DN là Thông tư 20/2014 của Bộ Khoa học & Công nghệ, quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Thông tư 20 được ban hành hồi tháng 7/2014 và có hiệu lực thi hành vào tháng 9/2014 nhưng vấp phải sự phản đối của DN, ngay từ khi lấy ý kiến đóng góp cho tới khi ban hành, do những tiêu chuẩn được cho là khá cao, không thể đáp ứng được.

Ngoài ra, theo quy định các bộ, ngành liên quan phải tổ chức 2-3 đơn vị giám định. Song, sau khi văn bản được ban hành, không một cơ quan nào tìm được tổ chức giám định, do đó đã bị “khai tử” ngay khi vừa có hiệu lực. Thông tư cũng được ghi nhận là một trong số văn bản pháp luật có tuổi thọ ngắn nhất.

Một chính sách khác gây xôn xao dư luận và được cộng đồng DN cũng như đông đảo chủ trang trại trên cả nước nhắc tới là Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi phải đáp ứng tiêu chí chất thải loại A (mức tương đương nước uống bình thường). Nếu thực hiện, DN phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xử lý được nước thải đạt chuẩn, do đó không thể thực hiện được.

Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất đối với mỗi dạng thành phần của thuốc bảo vệ thực vật cũng được nhắc tới nhiều trong các đề cử.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Ban Tổ chức vẫn đang tập hợp các đề cử đến hết tháng 2 và sẽ chọn ra 30 đề cử cho mỗi danh sách là chính sách tốt nhất và chính sách tồi tệ nhất. Từ đó, Hội đồng chuyên gia sẽ bình chọn ra 10 chính sách cho mỗi hạng mục và VCCI sẽ tiến hành công bố kết quả vào tháng 5 tới.

Các “tác giả”chính sách nói gì?

Ngay sau khi Thông tư 20 bị tuyên bố vô hiệu, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đã lấy ý kiến đóng góp và đến cuối năm 2015 đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi bổ sung quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Được biết, Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2016 và động thái tiếp thu kịp thời này đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng DN.

Về Thông tư 47/2011/TT-BTNMT, ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước những bất cập được cộng đồng DN phản ánh, trong năm 2015, Bộ đã xây dựng riêng một quy chuẩn về nước thải chăn nuôi và sửa đổi, bổ sung Thông tư 47. “Sau quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến, dự kiến ngay trong tháng 3 này, Bộ sẽ ban hành Thông tư mới”, ông Cường nói. Không thông tin chi tiết các điều kiện cụ thể trong dự thảo Thông tư mới nhưng Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, “sẽ phù hợp hơn với các điều kiện thực tế”.

Liên quan tới nội dung Thông tư 21, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngay sau khi có phản hồi từ phía DN, lãnh đạo Bộ đã họp và có ý kiến  trả lời bằng văn bản gửi tới VCCI. Ông Hồng giải thích cơ sở ban hành quy định này là “siết chặt quản lý để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho người dân”. Theo ông, trước khi xây dựng quy định, cơ quan này đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình cao.

Ông Hồng cho rằng, việc không đồng tình với nội dung Thông tư 21 chỉ xuất hiện ở một số DN buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. “DN bao giờ cũng muốn lỏng lẻo về quản lý để lợi dụng, kiếm chác. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Không thể vì lợi ích của DN mà làm tổn hại cho lợi ích đất nước”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.

Các chính sách ngành GTVT được đánh giá cao

Đại diện Ban Tổ chức cho hay, một số quy định được đề cử nhiều vào danh sách tốt nhất là Nghị quyết 19 của Chính phủ, quy định bãi bỏ tội Kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự; Cải cách thủ tục hành chính thuế; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%... Các quy định trong ngành GTVT cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực và nhiều đề cử vào danh sách các quy định tốt nhất. 10 tiêu chí để lựa chọn ra các quy định pháp luật tốt/tồi nhất là: Tính cần thiết của quy định, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, môi trường cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành/có hiệu lực.

Rủi ro từ chính sách xấu không kém rủi ro từ thị trường

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, đây là năm đầu tiên VCCI tiến hành tổ chức bình chọn, theo “đặt hàng” của Chính phủ về đánh giá tín nhiệm của DN đối với các quy định của Bộ, ngành. Có thực tế là các văn bản pháp luật, mà chủ yếu ở cấp Thông tư thời gian qua bị “kêu” quá nhiều, tác động theo chiều tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Ông Tuấn cũng cho rằng, lâu nay các DN Việt Nam, nhất là khối tư nhân, đã rất thờ ơ với hoạt động tham vấn của các cơ quan ban hành văn bản pháp luật. Đến khi quy định có hiệu lực thi hành mới phản ứng thì đã không kịp. “Rủi ro của chính sách xấu cũng nghiêm trọng không kém rủi ro từ thị trường vì thế các DN nên tích cực, chủ động lên tiếng cho quyền lợi của mình”, ông Tuấn khuyến nghị.

C.Sơn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.