Thời sự Quốc tế

Bộ Ngoại giao hỗ trợ người Việt bị cưỡng bức lao động ở Campuchia ra sao?

07/07/2022, 17:26

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cập nhật thông tin về công tác bảo hộ công dân trước tình trạng người VN bị cưỡng bức lao động tại Campuchia.

Ngày 7/7, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, cơ quan chức năng, các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng của Campuchia thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn và đưa về nước như lập nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân.

Các cơ quan đại diện cũng đăng cảnh báo lên hệ thống trang điện tử và tài khoản mạng xã hội của mình; thiết lập đường dây nóng hoạt động 24/7 giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và cơ quan chức năng của Campuchia trong việc tiếp nhận thông tin, hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam là nạn nhân một cách kịp thời và có hiệu quả; phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước thúc đẩy tuyên truyền, cảnh báo nâng cao nhận thức cho người dân".

img

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Với sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia, đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã bảo hộ, đưa về nước khoảng hơn 400 trường hợp, đồng thời, hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng hơn 1.500 trường hợp công dân gặp khó khăn trong xuất nhập cảnh, đi lại, gia hạn cư trú, vi phạm pháp luật sở tại.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, các công ty quản lý và sử dụng lao động, tăng cường điều tra, triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết để kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh, từng bước đẩy lùi tình trạng này.

Cũng tại cuộc họp báo, thông tin về biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Quan điểm của Việt Nam về vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần".

"Việt Nam chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển, duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và các Công ước/Thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia là thành viên như Hiệp định thực thi các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UNFSA), Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO (Hiệp định PSMA)".

Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đồng thời triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Các cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam cũng thường xuyên quản lý, tuyên truyền, giáo dục và triển khai nhiều biện pháp cụ thể để ngư dân tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng các vùng biển của các nước được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các diễn đàn quốc tế, Kế hoạch hành động khu vực về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định(RPOA-IUU) cũng như luôn sẵn sàng cùng các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thúc đẩy quản lý nghề cá hiệu quả, bền vững, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.