Thế giới

Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ người Việt trồng thuốc phiện tại Anh

06/03/2015, 08:03

Bộ Ngoại giao yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Anh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng

Hôm qua (5/3), trả lời PV Báo Giao thông về thông tin nhiều người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh để trồng cần sa, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Anh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại làm rõ những thông tin liên quan, thực hiện các công tác bảo hộ công dân, đảm bảo quyền lợi pháp lý của công dân Việt Nam được tôn trọng đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế và các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia”.

112
Một nhà trồng thuốc phiện tại Anh

Trước đó, ngày 25/2, hãng tin Reuters đưa tin: Rất nhiều nam thanh niên và trẻ em Việt Nam bị đưa sang Anh để làm lao động trong các trang trại thuốc phiện. Ở thời điểm bị bọn buôn lậu đưa sang Anh, phần lớn các nạn nhân Việt Nam mới ở độ tuổi thiếu niên. Trước khi đặt chân tới Anh, họ phải vượt qua hàng nghìn km bằng đi bộ, thuyền, xe khách trong hàng tháng trời thậm chí lên tới hàng năm. Luật sư bào chữa cho rất nhiều nạn nhân người Việt Nam - Philippa Southwell cho biết: “Trong hành trình tới Anh, họ phải đi bộ băng rừng trong nhiều ngày liền, ngủ trong các lán trại và trốn chui lủi ở đằng sau xe tải bẩn thỉu, bầu không khí ngột ngạt và phải đi tiểu vào hộp ngay tại chỗ, họ vẫn phải giữ im lặng”.

Khi tới nước Anh, các nạn nhân bị những kẻ buôn lậu canh giữ như tù nhân, phải trông nom các trang trại thuốc phiện trong nhà với các hệ thống sưởi phức tạp, đèn công suất cao để trả khoản nợ có thể lên tới 46 nghìn USD. Bà Southwell cho biết: "Trong các trang trại đó, điều kiện làm việc rất nguy hiểm, không có ánh sáng mặt trời. Tất cả cửa sổ đều bị đóng chặt nên không ai có thể bỏ trốn".

Mặc dù, năm 2013, Tòa án Tối cao Anh ra quy định không truy tố các nạn nhân trong các vụ buôn lậu vì những cáo buộc liên quan tới thuốc phiện. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, việc thực thi chưa có gì thay đổi. Một khi những nạn nhân này bị khép vào các tội danh liên quan tới thuốc phiện, cần sa, phần lớn họ sẽ bị trục xuất.

Cảnh sát Anh vẫn giam giữ nhiều trẻ vị thành niên bị bắt từ các trang trại trồng thuốc phiện trong khi chưa tìm đủ bằng chứng để có thể tóm được những tên trùm buôn lậu người. Năm 2013, Chính phủ Anh thông báo một dự thảo luật nhằm hạn chế những trường hợp buôn lậu người và nô lệ. Dự kiến dự luật này sẽ được thông qua trước cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 5 năm nay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.