Bất động sản

Bỏ quy định địa phương phải xin ý kiến Bộ Xây dựng khi ban hành định mức

08/07/2024, 18:15

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị (dự thảo) có nhiều điểm mới, trong đó bỏ quy định địa phương phải xin ý kiến Bộ Xây dựng khi ban hành định mức.

Dự thảo trao quyền nhiều hơn cho địa phương

Sau khi Báo Giao thông đăng bài "Xây dựng định mức cây xanh, chiếu sáng đô thị: Lo ngân sách thêm tốn kém", đưa những góp ý của nhiều địa phương về dự thảo; ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có phản hồi đến Báo Giao thông về nội dung này.

Bỏ quy định địa phương phải xin ý kiến Bộ Xây dựng khi ban hành định mức- Ảnh 1.

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị trao quyền quyết định nhiều hơn cho địa phương (Ảnh: Đường TL70 Nam Từ Liêm, Hà Nội - Nguyễn Hùng).

Ông Biên cho biết dự thảo không có quy định hoặc giao UBND cấp tỉnh ban hành định mức. Nội dung dự thảo chỉ dẫn chiếu đối với việc tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức thuộc phạm vi quản lý của ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Dự thảo cũng không có quy định yêu cầu các tỉnh tự ban hành định mức kinh tế kỹ thuật. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức đã được quy định trước đó tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Để thuận lợi cho các địa phương, Bộ Xây dựng đã và sẽ tiếp tục công bố các bộ định mức dự toán về cây xanh, chiếu sáng đô thị để các địa phương tham khảo.

Đồng thời, dự thảo đã bổ sung phương pháp xác định định mức để các địa phương thuận tiện trong việc tổ chức xác định định mức. Việc tham khảo, xem xét, quyết định áp dụng các định mức do Bộ Xây dựng công bố thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trên cơ sở rà soát, đánh giá sự phù hợp về quy trình, điều kiện cụ thể và khả năng bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ này tại địa phương. 

Các địa phương có trách nhiệm tổ chức xác định các định mức chưa có, hoặc đã có nhưng áp dụng không phù hợp..., làm cơ sở để xác định đơn giá, giá sản phẩm dịch vụ công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, tổ chức đấu thầu, đặt hàng để thực hiện các dịch vụ này.

Ông Biên cũng cho biết, dự thảo đã loại bỏ quy định các địa phương phải xin ý kiến thỏa thuận với Bộ Xây dựng trước khi ban hành như đã quy định trước đây (Thông tư 14/2017/TT-BXD). Dự thảo không có quy định nào yêu cầu các tỉnh phải thẩm định, dẫn đến đặt hàng độc quyền là Viện Kinh tế xây dựng, Trung tâm Tư vấn kinh tế xây dựng. Dự thảo cho phép địa phương được thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc xây dựng hoặc thẩm tra định mức, đơn giá và dự toán chi phí…

"Pháp luật về xây dựng và dự thảo không có quy định nào hạn chế khả năng tham gia các gói thầu lập định mức của các tổ chức. Thực tế, rất nhiều đơn vị, cá nhân đủ năng lực, kinh nghiệm, đã và đang thực hiện các gói thầu xây dựng định mức thuộc lĩnh vực dịch vụ hạ tầng đô thị cho các địa phương như: Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Viện Kỹ thuật tài nguyên nước, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật thủy lợi... Và theo quy định Luật Đấu thầu 2023, các gói thầu tư vấn từ 100 triệu trở lên phải thực hiện thủ tục đấu thầu theo quy định để lựa chọn đơn vị thực hiện, chủ yếu là đấu thầu qua mạng", ông Biên cho hay.

Nhiều quy định mới

Ông Biên cho biết thêm, thông tư Bộ Xây dựng ban hành để hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị (Thông tư 14/2017/TT-BXD) sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, một số quy định đã không còn phù hợp với quy định pháp luật liên quan, một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ Xây dựng đã dự thảo thông tư thay thế Thông tư 14 với nhiều điểm mới: Thông tư mới không còn quy định "thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị", nguyên nhân là do Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 52/2022/NĐ-CP không giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định và quản lý chi phí lĩnh vực này.

Dự thảo thông tư cũng làm rõ dẫn chiếu về việc tổ chức thực hiện công bố, ban hành, sửa đổi, định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ duy trì cây xanh, chiếu sáng đô thị cho phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh, quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tính đặc thù của các dịch vụ này.

Ông Biên cũng cho biết, trong quá trình lấy ý kiến, nhiều địa phương có đề nghị Bộ Xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để áp dụng chung, các địa phương ban hành định mức đặc thù làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công. Tuy nhiên, thực tiễn Bộ Xây dựng đã công bố 73 định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị và 182 định mức dự toán duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị. Các định mức này vẫn được đa số các địa phương tham khảo, sử dụng để làm cơ sở xác định đơn giá, giá sản phẩm dịch vụ công.

Để tiếp tục giúp các địa phương thuận tiện trong xây dựng định mức, dự thảo thông tư thay đổi Thông tư 14 đã đưa vào quy định (Điều 6) các quy định: "Định mức do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham khảo trong quá trình tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ phương pháp xác định định mức kinh tế - kỹ thuật thông tư này (Phụ lục 3 kèm theo) tổ chức xác định để ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành đơn giá sản phẩm, lập dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định của pháp luật về đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

Kết quả ban hành định mức gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu".

Theo ông Biên, việc sửa đổi, hoàn thiện như trên là cần thiết để đảm bảo tính ổn định, liên tục trong tổ chức thực hiện duy trì dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị tại các địa phương, phù hợp với trách nhiệm của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh.

Trước đó, Báo Giao thông đã đăng tải bài viết "Xây dựng định mức cây xanh, chiếu sáng đô thị: Lo ngân sách thêm tốn kém". Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành định mức áp dụng chung đối với từng loại đô thị, do việc xác định các chi phí trên bằng phương pháp lập dự toán gặp rất nhiều khó khăn trong thẩm định. Sở Xây dựng Lào Cai cũng có ý kiến tương tự. 

Sau khi bài viết đăng tải, Cục Kinh tế Xây dựng đã có phản hồi, làm rõ thêm nội dung Báo Giao thông phản ánh như trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.