Xã hội

Bỏ quy định riêng đăng ký thường trú thành phố lớn, vẫn duy trì sổ hộ khẩu?

21/10/2020, 09:50

Nhiều Đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án kéo dài thời gian có hiệu lực đối với sổ hộ khẩu cho đến 31/12/2022.

Duy trì giá trị sổ hộ khẩu
Các đại biểu Quốc hội đề nghị duy trì giá trị của sổ hộ khẩu, tạm trú đến hết 2022

Thành phố trực thuộc TƯ không áp dụng điều kiện đăng ký thường trú riêng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp 10, ngày 21/10, trong phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Về điều kiện đăng ký thường trú, dự thảo Luật không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Nên duy trì sổ hộ khẩu đến hết năm 2022?

Về điều khoản thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021 như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, đề xuất hai phương án có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân. Đó là kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022; hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Trần Thị Dung Đoàn (đoàn Điện Biên) đồng ý với phương án kéo dài thời gian có hiệu lực đối với sổ hộ khẩu cho đến 31/12/2022. Phương án này không làm ảnh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ và Bộ công an trong việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú. Đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc xóa sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú là cần thiết nhưng về điều khoản chuyển tiếp thì cần phải cho phép người dân kéo dài thời gian để chứng minh thông tin cư trú khi giao dịch với cơ quan chức năng. Bởi cơ quan công an có thể đảm bảo được đến ngày 1/7/2021 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng các cơ quan Nhà nước khác sẽ không theo kịp như: Thuế, Hải quan, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội…

Bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, mục tiêu xây dựng Luật Cư trú là đảm bảo yêu cầu không để cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân. Đây là mục tiêu rất quan trọng. Mục tiêu thứ 2 là phải xác định được vị trí pháp lý của công dân, của người dân trên lãnh thổ Việt Nam. Dù ở đâu cũng phải có vị trí pháp lý để giao dịch, xác nhận. Mục tiêu thứ 3 là việc đăng ký để các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của người dân, công dân.

Trong những quy định này, việc đăng ký quản lý không được làm phiền hà, nhũng nhiễu, phức tạp cho nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, việc bỏ sổ hộ khẩu là niềm mong ước của người dân. Nếu làm được thì sẽ mang lại sự phấn khởi cho người dân cả nước. Sổ hộ khẩu hiện nay có rất nhiều điều khoản khác quy định đi theo, ăn theo, giờ phải thay đổi phương thức quản lý. Từ nay cho đến 1/7/2021, sẽ vận động tất cả người dân gửi tiết kiệm, đăng ký nhà ở, đăng ký các giấy tờ pháp lý theo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu… thì cần có sự chuyển đổi bằng căn cước công dân.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng thông tin, hiện nay thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập được khoảng 90%, giờ chỉ thẩm định, phúc tra và đưa vào trong hệ thống máy. Còn 10% sẽ cố gắng, có thể trong năm 2020 hoàn thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.