Thị trường

Bộ quy hoạch xóa chợ Long Biên, Sở nói không

13/07/2015, 10:42

Hà Nội sẽ xây mới 5 chợ đầu mối nông sản, đồng thời giữ nguyên công năng chợ Long Biên là chợ dân sinh.

42
Các tiểu thương tại chợ Long Biên đang rất lo lắng nếu chợ bị di dời

Sau khi Bộ Công thương có Quyết định 6481/QĐ-BCT đưa chợ Long Biên (Hà Nội) vào danh sách xóa bỏ, di dời, Sở Công thương Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ đề nghị giải thích rõ vì UBND TP Hà Nội đã có quy hoạch không di dời, xóa bỏ chợ này.

Tiểu thương lo lắng, ban quản lý bức xúc

Tiếp xúc với các tiểu thương chợ Long Biên, PV Báo Giao thông nhận thấy sự lo lắng, bức xúc trước thông tin xóa sổ chợ. Chị Thu, chủ một đầu mối bưởi ở chợ Long Biên cho hay, chị bán hàng ở đây gần 30 năm, là thu nhập chính của cả gia đình. “Nghe nói quy hoạch xóa sổ chợ ngay từ năm 2015-2020, chợ đóng cửa thì chúng tôi biết đi đâu”, chị Thu hoang mang.

"Hà Nội cũng đã thất bại với không ít trung tâm thương mại xây xong nhưng không có người vào buôn bán. Vì thế, việc di dời, xóa bỏ chợ Long Biên không thể làm vội vã được”.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Vũ Vinh Phú

Cùng tâm trạng, chị Vân, chủ một kiốt buôn bán hoa quả cho biết, để có được một chỗ bán hàng ở chợ này, chị đã phải dốc hết tiền của, đi vay mượn để mua một ki-ốt. “Mọi người cứ nghĩ đơn giản rằng đóng cửa chợ, chúng tôi nghỉ bán, thế là xong, chứ ít ai nghĩ mỗi tiểu thương sẽ thiệt hại hàng tỷ đồng. Ki-ốt nhà tôi hôm trước có người muốn mua trả tới 2,5 tỷ, nay có thông tin xóa chợ, thì có bán vài chục triệu cũng chẳng ai mua”, chị Vân than thở.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đàm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên bức xúc: “Bộ Công thương ra quyết định xóa bỏ, di dời chợ đầu mối Long Biên là không hợp lý. Theo quy định, chợ loại một là do UBND thành phố quản lý, loại hai là do UBND quận quản lý, chợ loại ba do UBND phường quản lý. Hà Nội đã quy định chợ này là chợ loại hai rồi”.

Theo ông Dũng, hiện chợ Long Biên đang được UBND quận Ba Đình cho nâng cấp, cải tạo và sửa chữa. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ cải tạo, sửa chữa xong để tiểu thương thuận lợi buôn bán hàng hóa dịp Tết.

Khi Bộ, Sở chưa thống nhất

Theo quy hoạch của Bộ Công thương, Hà Nội có hai chợ đầu mối phải di dời, xóa bỏ là chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) và chợ Long Biên (quận Long Biên), trong đó chợ Long Biên có phân kỳ di dời, xóa bỏ sớm hơn, từ năm 2015-2020. Riêng chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) được giữ nguyên. Đồng thời, Hà Nội sẽ xây mới ba chợ đầu mối nông sản ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), chợ huyện Quốc Oai và Phú Xuyên.

Ngày 10/7, trao đổi với Báo Giao thông, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ năm 2010, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 4176/QĐ-UBND phê duyệt phân hạng các chợ trên địa bàn, trong đó, chợ Long Biên, quận Ba Đình được phân hạng 2. Đến năm 2012, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5058/QĐ-UBND, phê duyệt trên địa bàn có 7 chợ đầu mối, bao gồm hai chợ đầu mối hiện có (phía Nam và Minh Khai) và xây dựng mới năm chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng; đồng thời giữ nguyên công năng chợ Long Biên là chợ dân sinh, hạng 2.

“Tuy đã được UBND TP Hà Nội quyết định là chợ dân sinh hạng 2, nhưng trong quá trình chờ chợ đầu mối Gia Lâm xây dựng và hoàn thiện, thì hiện chợ Long Biên tiếp tục hoạt động với chức năng chợ đầu mối. Điều này không đồng nhất với Quy hoạch của Bộ Công thương là phải xóa bỏ, di dời chợ Long Biên”, bà Lan nói.

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, Hà Nội cần phải có ít nhất bốn chợ đầu mối ở bốn cửa ô. Nhưng với diện tích đất đai TP Hà Nội chật hẹp thế này, các chợ đầu mối sẽ phải “đẩy” đi xa 15-20 km. “Tôi đồng ý quyết định của UBND TP Hà Nội, nên chuyển đổi công năng chợ Long Biên từ chợ đầu mối thành chợ dân sinh. Khi nào xây xong chợ đầu mối mới thì hãy chuyển”, ông Phú đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.