Chuyện dọc đường

Bỏ rơi con, đâu chỉ chuyện đạo đức!

12/06/2020, 06:08

Những em bé bị bỏ rơi khi mới sinh ra như vậy không phải hiếm, không phải em bé nào cũng may mắn được phát hiện và cứu sống...

img
Em bé sơ sinh bị bỏ rơi trong hố ga đang được chăm sóc tại BV Saint Paul

Dư luận chưa hết sững sờ trước bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi trong hố ga 3 ngày dưới cái nắng gay gắt 40oC ở Sơn Tây thì tối 10/6, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, bệnh viện đang chăm sóc một bé trai bị bỏ rơi ven đường trong một đêm mưa gió tại huyện Bình Chánh.

Cậu bé bị bỏ rơi 3 ngày trong hố ga vẫn sống, một sức sống được coi là “kỳ diệu” khi 3 ngày không được bú sữa, chịu nắng nóng, nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu. Khi được tìm thấy, bé bị kiến, dòi bu khắp người. Còn bé trai nằm ven đường ở huyện Bình Chánh trong tình trạng chưa cắt rốn đã bốc mùi hôi hoại tử và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Người mẹ vứt bỏ con dưới hố ga thừa nhận vì không đủ điều kiện kinh tế nên chọn giải pháp ấy và còn cẩn thận xóa dấu vết trước khi bỏ đi. Thứ “tình mẫu tử” dường như không khiến người phụ nữ này nghĩ tới một phương án khác đỡ xót xa, đau đớn hơn cho sinh linh bé nhỏ.

Những em bé không được chọn lựa quyền được sinh ra. “Nhỡ” mẹ chúng sẵn sàng bỏ rơi giọt máu của mình, chúng cam chịu.

Dư luận lên án gay gắt những hành vi “máu lạnh” đó nhưng rồi nó vẫn cứ diễn ra, lặp đi lặp lại. Nhìn lại lịch sử tư pháp nước nhà, có lẽ ngoài những lời lên án, chưa có một một bản án thật sự nào dành cho những người mẹ thiếu tình người như vậy.

Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP có nêu, hành vi bỏ rơi con ở nơi công cộng, không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nhưng nếu đứa trẻ không chết, người mẹ đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo các luật sư, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này thì cần phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Điều 124 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Rất may, em bé bị bỏ rơi 3 ngày trong hố ga chưa tử vong. Người mẹ dù bị phạt tiền cũng chưa thỏa đáng bởi hành vi đó không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, xâm phạm Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật.

Những em bé bị bỏ rơi khi mới sinh ra như vậy không phải hiếm, không phải em bé nào cũng may mắn được phát hiện và cứu sống, đã có những bé phải từ giã cuộc sống khi vừa được chào đời.

Tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ một thiên chức, đó là làm mẹ. Không phải ai cũng có hạnh phúc được làm tròn thiên chức ấy. Có rất nhiều người khao khát được làm mẹ, sẵn sàng đánh đổi cả gia tài, thậm chí cả tính mạng để có con, vậy mà có những người phụ nữ nhẫn tâm làm hại những đứa trẻ do chính mình rứt ruột đẻ ra.

Những người chối bỏ trách nhiệm làm mẹ có thể đưa ra nhiều lý do cho hành vi của mình nhưng trên tất cả, đó chính là hậu quả của một lối sống không hiếm gặp của giới trẻ hiện nay trong xã hội.

Một kiểu sống thiếu trách nhiệm với chính mình, với gia đình và với xã hội. Đằng sau những đứa trẻ bị bỏ rơi, đó mới là một thực trạng đáng lên án và báo động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.