Xã hội

Bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19

22/09/2021, 19:26

Chiều 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm trên 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

img

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2021 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết hoặc không triển khai do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng, gồm: Cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương là 7,42 nghìn tỷ đồng; giảm chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương 4,2 nghìn tỷ, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ còn dư 3 nghìn tỷ đồng.

Tờ trình cũng nêu rõ, trong 8 tháng đầu năm, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tập trung sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Trong đó các nguồn lực của Trung ương đã sử dụng 22,27 nghìn tỷ đồng.

Về nhu cầu kinh phí Trung ương chi phòng, chống dịch trong thời gian tới, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng cho khoảng 80 triệu dân số trong năm 2021 dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vaccine với kinh phí khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng. Hiện nhu cầu còn lại Trung ương phải chi trong thời gian tới khoảng 16,07 nghìn tỷ đồng. Trường hợp dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm thì nhu cầu kinh phí mua vaccine sẽ lớn hơn.

Để đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, căn cứ luật định và Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng kinh phí trên để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng tình với Tờ trình của Chính phủ để bảo đảm tính kịp thời và tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, trong bối cảnh dự phòng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương còn hạn chế.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành nghị quyết bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi như Chính phủ trình, giao Chính phủ sử dụng để ưu tiên chống dịch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng luật và Nghị quyết 30 của Quốc hội, cũng như báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Chính phủ đảm bảo việc thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm nguồn kinh phí phải thực hiện đúng Nghị quyết 30 của Quốc hội là cắt giảm chi phí cho hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm, chi thường xuyên và thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, không được ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách.

Cùng với đó, Chính phủ bám sát diễn biến thực tế để điều hành theo thẩm quyền hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền, đảm bảo tăng thêm nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa cho công tác phòng, chống dịch và duy trì khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân; bảo đảm chế độ, chính sách cho người tham gia phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành và các địa phương tổng hợp báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu nguồn vốn cho phòng, chống dịch Covid-19 để báo cáo Trung ương và Quốc hội.

100% Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành với những nội dung trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.