Thị trường

Bộ Tài chính đính chính phát ngôn “bán đất để ăn”

17/05/2018, 16:23

Đại diện Bộ Tài chính tại họp báo chiều 17/5 đã đính chính phát ngôn “bán đất để ăn, ăn hết phần con cháu”.

bo-tai-chinh-thue-tai-san-ban-dat-de-an-2

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính

Tại cuộc họp báo về triển khai luật quản lý và sử dụng công sản chiều 17/5, báo chí đặt câu hỏi với ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính: "Khi đề xuất sửa một số luật thuế, chúng ta có bán hết đất để ăn và ăn hết phần con cháu hay không?" Ông Thịnh đính chính: "Đây không phải là bán đất". 

Cũng theo ông Thịnh, hiện nay cơ chế tài chính trong thu từ đất đai có nhiều khoản, gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế, các loại phí liên quan đến đất đai. Hai khoản lớn nhất là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.

“Theo số liệu năm 2017, tiền sử dụng đất thu được xấp xỉ 127 nghìn tỷ đồng, còn lại là tiền thuê đất xấp xỉ 27.000 tỷ đồng. Cơ cấu thu từ đất có điều đáng mừng là xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm với tỷ trọng cao, dần điều chỉnh thị trường liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất”, ông Thịnh nói.

Trước đó, phát ngôn về việc “chúng ta đang sống bằng đất. Bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai” của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) tại Hội thảo khoa học về dự án sửa đổi một loạt các luật thuế của Bộ Tài chính do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức ngày 9/5 đã gây ra nhiều tranh cãi.

Ông Nguyễn Văn Phụng cũng cho biết mức động viên thuế còn cách xa mục tiêu mà chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra. Bởi theo chiến lược, trong giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ đóng góp của thuế trên GDP là 23-24%, trong đó thu từ thuế phí, lệ phí đạt 22-23% GDP. Nhưng thực tế, mức động viên thu ngân sách trong giai đoạn này đã đạt 23,7% GDP, trong đó thu từ thuế chỉ đạt 18,1% GDP.

"Các con số này nói lên rằng mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP thôi. Như thế, chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai", ông Phụng bình luận. Chính vì vậy, theo ông Phụng, Bộ Tài chính cần sửa đổi, bổ sung một số Luật thuế. 

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách gần đây cũng cho thấy tăng thu ngân sách năm 2017 vượt dự toán chủ yếu nhờ vào tiền sử dụng đất. Cụ thể đã vượt 61,58 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, tăng thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN là 15,19 nghìn tỷ đồng, tăng thu từ dầu thô là 11,28 nghìn tỷ đồng.

“Tăng thu không xuất phát từ sự tăng trưởng, phát triển của các doanh nghiệp, vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào tài nguyên”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Mặt khác, báo cáo của Uỷ ban này cũng chỉ ra, các địa phương, nếu không kể thu tiền sử dụng đất và các khoản thu không tính cân đối thì có 33 địa phương hụt thu khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.