Xã hội

Bỏ tiền lẻ vào chai nộp phí: "Văn hoá ứng xử có vấn đề"

13/08/2017, 10:23

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói về việc bỏ tiền lẻ vào chai khi qua trạm thu phí.

Nguyen Duc Kien

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng - xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT)” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhận xét như trên, khi đề cập đến việc ở một số nơi xuất hiện tình trạng người dân bỏ tiền lẻ vào chai để trả phí mỗi lần qua trạm thu phí, gây khó dễ cho nhân viên thu phí.

"Những hiện tượng đó là sai luật. Nếu anh không thích thì anh có quyền từ chối sử dụng dịch vụ đó, tại sao phải làm thế? Nhưng tôi được biết, nhiều luật sư lên tiếng phân tích rõ như thế là phạm luật, có thể bị tù từ 2-7 năm nên tài xế cũng không dám làm như vậy nữa.

Vụ việc mới đây nhất khi tài xế gây khó dễ cho nhân viên trạm thu phí bằng cách cho tiền lẻ vào chai, tôi đánh giá doanh nghiệp thu phí cư xử rất đúng mực. Họ phải cử người ra cắt chai nhựa và đếm tiền, không gây khó dễ gì cho lái xe nhưng đã ảnh hưởng tới xe sau, gây ùn tắc giả tạo và lãng phí thời gian, tiền bạc của người khác.

Đây cách hành xử giữa con người với con người, giữa người cung ứng và sử dụng dịch vụ, và ở đây ta thấy tính văn hoá của người làm dịch vụ cao hơn những người lái xe", ông Kiên nói.

trạm thu phí Cai Lậy

Trạm thu phí Cai Lậy được đưa vào hoạt động từ ngày 1/8 nhưng trong 12 ngày qua, ngày nào cũng xuất hiện hiện tượng tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả phí khi qua trạm.

Theo ông Kiên, thực tế những tuyến đường đó vẫn có lựa chọn, họ không muốn đóng phí ở đường tránh thì có thể đi vào thị xã, nhưng họ lại không muốn thế, vì đi qua thị xã thì không được chở nhiều hàng hoá, thậm chí không đi nhanh được vì có thể bị bắn tốc độ.

"Việc bỏ tiền lẻ vào chai khi qua trạm thu phí cho thấy văn hoá ứng xử đang có vấn đề", ông Kiên đánh giá.

Qua thực tế giám sát, ông Kiên cũng đưa ra nhận định: “Nếu đúng như lâu nay báo chí phản ánh, thì tôi cho rằng không nên làm BOT. Theo báo chí thì khi có dự án BOT, người thụ hưởng là người dân bức xúc, người bỏ tiền ra làm là nhà đầu tư cũng kêu, Nhà nước lại mang tiếng không quản lý. Như vậy, làm một dự án mà cả ba chủ thể đều kêu thì tốt nhất không làm. Tuy nhiên, thực tế không giống như vậy”.

Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty BOT QL1 Tiền Giang, vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy được UBND huyện, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đồng ý. Trạm xây dựng theo giấy phép của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp và đưa vào hoạt động từ ngày 1/8.  Đáng lưu ý, 12 ngày đầu tiên thu phí, ngày nào cũng có tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả phí qua trạm, thậm chí nhiều tài xế cố tình bỏ tiền lẻ vào chai đưa cho nhân viên thu phí gây ùn tắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.