Xã hội

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Đổi mới giáo dục nhưng không gây sốc”

12/06/2015, 19:30

“Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết thực hiện nghiêm túc kì thi THPT. Đổi mới, nghiêm túc nhưng không gây sốc".

pham-vu-luan-2_1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định việc đổi mới giáo dục sẽ không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột

Chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn những băn khoăn của ĐBQH về các vấn đề đổi mới chương trình SGK phổ thông, kỳ thi THPTquốc gia và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đặt câu hỏi: "Để đổi mới chương trình SGK phổ thông, thực hiện đổi mới thi cử, những giải pháp quan trọng nào cần áp dụng để thực hiện hiệu quả?"

Giải đáp câu hỏi đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc thực hiện đổi mới giáo dục, cụ thể là đổi mới chương trình SGK phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá, cũng như đổi mới quản lý trong nhà trường, đổi mới quản lý ngành đều cần nhiều giải pháp đồng bộ, cùng song song thực hiện. Tuy nhiên, yếu tố con người trong công cuộc đổi mới luôn quan trọng nhất.

Vì thế trong các nhà trường, muốn đổi mới thì phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên, cùng với đó là đổi mới nội dung chương trình SGK phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá.

Cũng liên quan đến vấn đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch băn khoăn: “Bộ Giáo dục cho biết chương trình đã hoàn thành và sẽ công bố vào tháng 7, nhưng đề án cơ sở vật chất và đào tạo giáo viên chưa thấy Bộ nói. Chính phủ đã phê duyệt đến đâu và lộ trình thực hiện như thế nào?”.

Giải trình về câu hỏi của ĐB, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, đề án cơ sở vật chất nối tiếp những chương trình mà Chính phủ triển khai như chương trình kiên cố hóa trường lớp học, chương trình hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, đề án phát triển hệ thống trường chuyên, xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú…

Đề án cơ sở vật chất, ngoài việc chú trọng đến hệ thống trường lớp học, còn chú trọng đến việc củng cố, đầu tư thiết bị dạy học theo nguyên tắc tận dụng triệt để các thiết bị hiện có, chỉ bổ sung mới các thiết bị còn thiếu và cần thiết. Trong đó, chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng nhằm phù hợp với xu thế chung của các nước có nền giáo dục phát triển.

Về đề án đào tạo giáo viên, Bộ đã triển khai đồng thời hai việc: Đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm nhằm cung cấp đội ngũ giáo viên mới đảm bảo yêu cầu và đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện hành. 

Riêng việc đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên cần phải có chương trình SGK mới mới có căn cứ xác đáng để kiểm tra lại đội ngũ giáo viên hiện hành xem họ đạt yêu cầu tới đâu, còn những bất cập gì để khắc phục.

“Cả hai đề án trên đều nằm trong loạt các đề án đã được Chính phủ phê duyệt, được tiến hành song song cùng với đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông” – Bộ trưởng Luận cho hay.

ĐB Phạm Ngọc Thạch bày tỏ lo ngại về việc năm nay khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH lại chủ trì tổ chức các cụm thi. Điều này cũng khiến nhiều người dân lo ngại vì các trường ĐH làm quá nghiêm sẽ dẫn tới kết quả tốt nghiệp sụt giảm.

Trước băn khoăn đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định dù thí sinh dự thi ở cụm thi do địa phương hay trường ĐH chủ trì thì đều phải tuân thủ quy chế chung.

“Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc kỹ barem điểm để kết quả chấm thi nghiêm túc, chính xác, tránh thiệt thòi cho  thí sinh. Việc coi thi nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, tác động đến nhân cách học sinh. Nếu để xảy ra tiêu cực thi cử, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi mà còn ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục nhân cách học sinh. Vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết thực hiện nghiêm túc kì thi này. Đổi mới, nghiêm túc nhưng không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột – Bộ trưởng khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.