Xã hội

Bộ trưởng Công an: "Bỏ hộ khẩu không có nghĩa bỏ quản lý"

06/11/2017, 10:13

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với báo chí về việc bỏ hộ khẩu, CMND.

bo ho khau CMND bo truong cong an to lam

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bên hành lang Quốc hội sáng 6/11.

Liên quan đến việc Chính phủ đồng ý bỏ các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/11, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh quan dù đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng phải đảm bảo yếu tố quản lý.

Theo giải thích của Bộ trưởng Tô Lâm, cho dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng chắc chắn các biện pháp quản lý dân cư như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ.

"Chúng ta sẽ có biện pháp, sẽ có cách quản lý, về giấy tờ sẽ đơn giản hoá thủ tục, nhưng không phải bỏ giấy tờ là bỏ quản lý, nguyên tắc là như vậy", Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ Công an sẽ tổ chức họp báo để trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. 

Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.

Đặc biệt, cùng với việc bãi bỏ sổ hộ khẩu và giấy chứng CMND, các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy CMND. 

Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú. Như vậy, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và CMND, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân. 

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và trình Quốc hội ban hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định liên quan.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia về cải cách tư pháp cho biết, Nghị quyết ra đời và có hiệu lực từ tháng 10, nhưng Nghị quyết cũng là để chúng ta có định hướng từ nay đến lộ trình năm 2020, phù hợp với Luật Căn cước công dân là tới 2020 sẽ xây dựng đồng bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Vì phải xây dựng được hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đồng bộ, thống nhất thì mới tiến hành bỏ được.

"Trong thời gian từ nay đến khi xây dựng xong vẫn phải duy trì những giấy tờ cần thiết như chứng minh thư, sổ hộ khẩu. Luật Căn cước công dân lộ trình cũng quy định đến năm 2020, Chính phủ cũng phải theo lộ trình đó. Tuy dự kiến đến năm 2020 có thể hoàn thành hệ thống đồng bộ này, nhưng vẫn còn nghi ngờ vì việc này cần nguồn kinh phí rất lớn, phải rất nỗ lực, quyết tâm và đầu tư kinh phí mới làm được", chuyên gia này cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.