Chính trị

Bộ trưởng Công an: Nhiều người coi thường pháp luật khi bị xử lý vi phạm giao thông

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, do khung xử phạt còn thấp, một số người dân cố tình vi phạm và chấp nhận bị xử phạt, nhất là trong vi phạm giao thông.

Lo ngại xu hướng tội phạm mạng

Sáng 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm...

Bộ trưởng Công an: Nhiều người coi thường pháp luật khi bị xử lý vi phạm giao thông- Ảnh 1.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang).

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) lo ngại tình trạng các loại tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như giết người; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ma túy; chống người thi hành công vụ; kinh tế, tham nhũng...

Đáng chú ý, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân... đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo đại biểu Sinh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, nhưng cũng đi kèm theo một loạt nguy cơ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến.

Dẫn ví dụ như kênh Youtube của Quang Linh Vlog đã bị chiếm đoạt, hay một công nghệ mới là sử dụng công nghệ Deepfake giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người thân hoặc cơ quan chức năng để tấn công, lừa đảo người sử dụng..., đại biểu Sinh đề nghị cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.

Báo động vi phạm pháp luật của người chưa thành niên

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có chiều hướng gia tăng. Đây là điều rất đáng báo động, tạo ra sự lo lắng trong xã hội.

Bộ trưởng Công an: Nhiều người coi thường pháp luật khi bị xử lý vi phạm giao thông- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông).

"Đã xảy ra nhiều vụ việc hết sức đau lòng, chỉ một mâu thuẫn nhỏ, chỉ cảm thấy không vừa ý, vừa mắt trong đời sống sinh hoạt, các em có thể giải quyết với nhau bằng hung khí và để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân các em, gia đình và xã hội", đại biểu Mai nêu thực tế.

"Chưa bao giờ người làm cha làm mẹ phải lo lắng nhiều đến vậy", đại biểu Mai bày tỏ lo ngại và cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, gia đình nhà trường, xã hội, đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn về tình hình trong thời điểm hiện nay và có tính dự báo trong thời sắp tới, để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Đồng thời có những biện pháp chế tài mạnh mẽ để kiểm sát tốt hơn việc sử dụng mạng xã hội để phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.

Cần nâng cao hiệu quả truy bắt tội phạm tham nhũng trốn ở nước ngoài

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) thì chỉ ra một trong những khó khăn lớn hiện nay trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và chức vụ là một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài, khiến việc truy bắt các đối tượng này trở nên chưa hiệu quả.

Nguyên nhân một phần là do Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, gây cản trở trong việc phối hợp xử lý. Tuy nhiên, vấn đề ký kết hiệp định tương trợ tư pháp cũng như cách thức thúc đẩy quá trình này lại chưa được báo cáo của Chính phủ làm rõ và cụ thể hóa.

"Chính phủ chưa tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các quốc gia khác. Việc tổng kết này là cần thiết để từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác truy bắt các đối tượng tham nhũng đang lẩn trốn ở nước ngoài", đại biểu Thịnh nhìn nhận và đề nghị Chính phủ cần quan tâm và tập trung vào nội dung này trong thời gian tới, nhằm khắc phục những bất cập và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.

Lý giải nguyên nhân vi phạm pháp luật, phạm tội

Làm rõ các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, kinh tế - xã hội dù đã có sự phục hồi mạnh mẽ, song về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc hoạt động cầm chừng còn nhiều, dẫn tới tình trạng thiếu việc làm, thừa lao động, nhất là trong độ tuổi thanh niên.

Bộ trưởng Công an: Nhiều người coi thường pháp luật khi bị xử lý vi phạm giao thông- Ảnh 3.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu tại hội trường.

Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm, nhất là nhóm tội phạm trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Ngoài ra, do mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là do dòng văn hóa phẩm ngoại lai không được kiểm duyệt chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội dẫn đến thực trạng tội phạm, nhất là tội phạm trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ, các hành vi vi phạm pháp luật bắt chước người nổi tiếng lan truyền trên mạng tiếp tục có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây.

Hiệu quả công tác phòng ngừa chung, nhất là phòng ngừa xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.

Nhiều mâu thuẫn là cơ sở không được chính quyền, các tổ chức xã hội ở địa phương phát hiện, tháo gỡ kịp thời, nhất là các mâu thuẫn do liên quan đến tranh chấp đất đai dẫn tới xảy ra một số vụ giết người, nhất là giết người thân gây đau lòng và bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Công an, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chưa thực sự phát huy được hiệu quả tối đa, hình thức và đối tượng có thời điểm còn chưa phù hợp.

Điều này dẫn tới việc một số đối tượng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Thậm chí, nhiều hành vi vi phạm pháp luật hành chính có khung xử lý còn thấp, chưa thể hiện được tính nghiêm minh, răn đe.

Một số bộ phận người dân có biểu hiện coi thường pháp luật, sẵn sàng chấp nhận bị xử lý nếu bị phát hiện, nhất là trong vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Công an cũng chia sẻ, trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, áp lực của các cơ quan tư pháp nói chung, lực lượng công an nói riêng ngày càng cao.

Bởi các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng không gian mạng, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, hoạt động xuyên biên giới gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Bộ trưởng Công an: Nhiều người coi thường pháp luật khi bị xử lý vi phạm giao thông- Ảnh 5.

Toàn cảnh hội trường.

Số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố, số vụ án khởi tố mới, số can phạm nhân hàng năm đều tăng cao, số vụ vi phạm hành chính hàng năm đều tăng và ở mức rất cao. Trong khi số lượng cán bộ điều tra, điều tra viên, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách, điều kiện việc làm việc chưa tương xứng và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh đó, còn có một bộ phận năng lực, trình độ hạn chế, thậm chí có những vi phạm quy định trong xử lý dẫn tới một số sai phạm như báo cáo của Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra.

Có những nước bắt đầu phối hợp về dẫn độ

Liên quan đến việc xử lý những đối tượng hiện nay đang lẩn trốn ra nước ngoài, ông Quang cho hay lực lượng công an và các cơ quan thực thi pháp luật cũng hợp tác quốc tế, tăng cường và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, liên quan đến dẫn độ tội phạm.

"Thời gian vừa qua chúng ta đã bắt và xử lý dẫn độ những đối tượng. Có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với chúng ta và đã đưa những đối tượng dẫn độ về nước.

Thời gian tới, trên tinh thần này chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có những hiệp định liên Chính phủ để chúng ta thực hiện nội dung này trong thời gian tới tốt hơn", ông Quang cho hay.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.