Kinh tế

Bộ trưởng Công thương đăng đàn giải trình 12 dự án yếu kém

26/05/2018, 12:06

Trước Quốc hội, sáng 26/5, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém.

bo-truong-bo-cong-thuong-giai-trinh-12-du-an-yeu-k

 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém

Trong phần giải trình trước Quốc hội sáng 26/5 về những vấn đề cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công thương.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu, đã hoàn thành đề án xử lý và đã xin ý kiến Bộ Chính trị.

“Mục tiêu hết năm 2018 xử lý cơ bản những vấn đề tồn tại lớn, đến năm 2020 giải quyết dứt điểm, ngăn chặn hình thành các dự án yếu kém trong tương lai”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Cụ thể, ông Trần Tuấn Anh cho biết, trong 12 dự án có 6 dự án dừng sản xuất, kinh doanh do không hiệu quả. Hiện có 2/12 dự án làm ăn có lãi, cắt giảm được lỗ lũy kế, đó là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và dự án thép Việt Trung. “Riêng dự án thép Việt Trung, Bộ Công thương đang tính xin ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ cuộc vì tới thời điểm này cơ bản đã hoạt động bình thường”, tư lệnh ngành Công thương thông tin.

Ngoài ra cũng có 4 dự án từng bước giảm lỗ là Đạm Ninh Bình, Đạm Bà Bắc, DAP số 2 Lào Cai, dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định việc khắc phục về mặt kinh tế mới chỉ là bước đầu. Ban chỉ đạo còn tiến hành làm rõ các sai phạm của cá nhân, tổ chức với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, như Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ…

“Ban chỉ đạo xác định có những vi phạm sẽ phải xử lý ở mức hình sự. Tuy nhiên cần thực hiện nghiêm túc việc khắc phục các dự án, thực hiện hiệu lực pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, rút ra bài học kinh nghiệm để không tái diễn, hoàn thiện về mặt thể chế, pháp lý để không có vi phạm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Được biết, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43.600 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%). Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho biết tổng nợ phải trả của 12 dự án đã tăng 3.441 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016. Số lỗ luỹ kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất là 18.679 tỷ đồng, tăng 2.553 tỷ đồng so với năm 2016.

Trong nội dung giải trình về hiện tượng giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ Công thươngTuấn Anh thừa nhận, có sự yếu kém trong phối hợp của cơ quan quản lý Nhà nước về nghiên cứu, theo dõi, phân tích và đánh giá tín hiệu thị trường, đề ra các giải pháp để gắn kết hơn giữa sản xuất và thị trường.

"Trong chuỗi liên kết 4 nhà, hiện chuỗi liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp còn yếu, thiếu, do đó cần chính sách để thu hút nhiều hơn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản", Bộ trưởng nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.