Kinh tế

Bộ trưởng Công thương: Ngày mai, có thể bí đao cũng cần giải cứu

22/05/2018, 14:06

Bộ trưởng Bộ Công thương lên tiếng về thực trạng liên tục giải cứu nông sản.

giai-cuu-ot

Quảng Trị vừa vận động chiến dịch giải cứu ớt

Sáng 22/5, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội, nhiều đại biểu nhắc tới câu chuyện “giải cứu nông sản”.

Nhắc lại những thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2017, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đặt vấn đề: “Tỷ trọng xuất khẩu nông sản đạt 36 tỷ USD, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới như thanh long, xoài…Thế nhưng nhìn lại từ đầu năm tới nay chúng ta đã giải cứu rất nhiều, gần đây nhất Quảng Nam kêu gọi giải cứu dưa hấu hay huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đề nghị giải cứu 17ha ớt. Trước đó là những cuộc giải cứu khác như: giải cứu củ cải (Hà Nội), cà chua (Bắc Giang)…Giải cứu hết cuộc này đến cuộc khác. Chúng ta phải xem giải cứu thế này có hợp lý không?”

giai-cuu-dua-hau

Cộng đồng vào cuộc giải cứu dưa hấu

Chia sẻ với ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu liên tục tăng cao song tới nay sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chưa thực sự tham gia vào chuỗi nông thủy sản thế giới do chưa có thương hiệu. “Chưa có thị trường xuất khẩu bền vững, luôn gặp rào cản kỹ thuật vì vậy nông sản Việt Nam luôn trong tình cảnh được mùa mất giá, phải giải cứu”, ông Tuấn Anh nói.

Cụ thể, nhắc tới cuộc giải cứu dưa hấu ở Quảng Nam hay ớt ở Quảng Trị mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định: “Cả ớt hay dưa hấu không nằm trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Đây chỉ là sản phẩm mùa vụ, phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ thương mại, xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, chứ không phải chính ngạch”.

Với tình trạng này, theo ông Tuấn Anh sẽ còn rất nhiều mặt hàng nông sản phải thường xuyên giải cứu. “Trách nhiệm không chỉ riêng Bộ Công thương, cần mở rộng sự tham gia của bộ ngành, địa phương trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp. Nếu không, hôm nay là dưa hấu, ngày mai có thể là hành tây, bí đao cũng sẽ phải giải cứu”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với Việt Nam nữa, bởi giờ họ cũng theo thông lệ chung của quốc tế trong truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng. Do vậy nếu nông sản Việt Nam cứ phụ thuộc vào Trung Quốc thì chắc chắn hệ lụy sẽ rất lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.