Thị trường

Bộ trưởng Công thương: Quy hoạch điện VIII cần triển khai ngay 5 nhiệm vụ

19/05/2023, 18:24

Chiều 19/5, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch điện VIII với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Quy hoạch đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị quyết, Nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ.

Quy hoạch điện VIII bảo đảm nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế.

img

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất trọng, song “mới là kết quả bước đầu”, ông Diên nhấn mạnh.

Do đó, để triển khai thành công quy hoạch này, ông đề nghị các đơn vị thực hiện 5 nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch và thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng.

“Cần xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân”, ông Diên cho biết.

Ông Diên cũng đặc biệt chú trọng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện; cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo…

Ngoài ra, hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện được giao và bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư... để bảo đảm triển khai các dự án điện đúng tiến độ đề ra.

Không hợp thức hoá cái sai

Phát biểu công bố Quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, quan điểm của Chính phủ trong quy hoạch này là "điện lực phải đi trước một bước", quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Đặc biệt, không hợp thức hoá cái sai.

Quy hoạch phát triển trên nguyên tắc tối ưu các nguồn, có tính kế thừa, mang tính động và mở nhưng không hợp thức hóa những sai phạm. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

img

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Trả lời báo chí liên quan đến quan điểm “không hợp thức hoá cái sai”, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, việc thực hiện đều có quy định rõ ràng, do đó, sai ở bước nào thì xử lý triệt để ở bước đó.

Ông nhấn mạnh: "Nếu dự án cấp đất sai thì xử lý vấn đề cấp đất, vi phạm liên quan đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…thì sẽ xử lý gắn với quy định pháp luật liên quan”.

Theo ông, quy hoạch sẽ không bao gồm việc giải pháp xử lý những vấn đề sai phạm, các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án trước đây.

Liên quan đến việc giải quyết các khó khăn dự án chuyển tiếp được đặt ra trong quy hoạch, ông Dũng cho hay, hiện nay các đơn vị liên quan đang đàm phán theo quy định. Mỗi năm Bộ Công thương sẽ ban hành khung giá cho các dự án điện tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Do đó, năm 2024 sẽ có những định hướng mới.

Về áp dụng cơ chế đấu thầu cho các dự án điện tái tạo như một số nước đang áp dụng, ông Dũng nói với quy định của các luật hiện hành, việc thực hiện đấu thầu cho lĩnh vực này chưa phù hợp. Tuy vậy, có thể tính toán tới việc đưa nguồn năng lượng tái tạo tham gia vào thị trường điện cạnh tranh trong giai đoạn tới.

Điểm mới trong quy hoạch là gì?

Ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, Quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5 -7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Cùng với việc hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP), định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Trong khi đó, các nguồn nhiệt điện than chỉ thực hiện tiếp dự án đã có trong Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đang xây dựng với công suất khoảng 30.000 MW. Dự án này sẽ được chuyển đổi nhiên liệu từ than sang nhiên liệu sinh khối, amoniac khi công nghệ và chi phí phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm sẽ dừng hoạt động nếu không đủ điều kiện chuyển đổi.

Bên cạnh đó, nhiệt điện khí, sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện, phát triển đồng bộ hạ tầng với quy hoạch. Tổng công suất nguồn khí hóa lỏng đạt 22.400 MW, năm 2050 thì hầu hết các nhà máy sử dụng khí LNG là sử dụng khí hydro, gắn với xây dựng hạ tầng theo quy hoạch.

Với hệ thống lưới điện, sau 2030 sẽ phát triển đường dây truyền tải siêu cao áp để khai thác mạnh nguồn điện gió ngoài khơi. Việc liên kết lưới với các nước trong quy hoạch, sẽ xây dựng các công trình đấu nối giúp nhập khẩu điện từ các nguồn có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển hệ sinh thái dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.