Chính trị

Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn hàng loạt vấn đề nóng

15/11/2016, 09:33
image

Là người đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Công thương nhận được nhiều câu hỏi chất vấn về hàng loạt vấn đề rất nóng.

Tran-Tuan-Anh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Sáng nay (15/11), Quốc hội bước vào phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khoá XIV với phần mở đầu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Trước khi đăng đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ: "Dù là Bộ trưởng được Quốc hội phê chuẩn qua 2 nhiệm kỳ nhưng thực ra tôi mới đảm nhiệm chức vụ khoảng 7 tháng nay. Đây là một Bộ với lượng công việc rất lớn, rất rộng, trong quá trình công tác và cống hiến tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm nhưng có lẽ còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, là một trưởng ngành, tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

-Báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của sự thua lỗ, kém hiệu quả của các siêu dự án do doanh nghiệp nhà nước đầu tư và do Bộ quản lý, Bộ trưởng đã chỉ rõ không loại trừ có sự cố ý vi phạm pháp luật trong hoạt động quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn về những sai phạm này? Đâu là trách nhiệm của của cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý đầu tư tại doanh nghiệp? Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội và Chính phủ để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước, không để lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như trong thời gian qua?.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Với 5 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, còn nhiều vướng mắc trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý thì thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng đã có đánh giá sơ bộ và có báo cáo. 

5 dự án đó được xem xét chủ trương đầu tư, thực hiện từ 2003 và kéo dài đến nay, từ xơ sợi đến nhà máy đạm, xăng ethanol, gang thép... Trong từng dự án, do tính chất đặc thù của ngành, dự án có diễn biến khác nhau kéo dài qua nhiều thời kỳ, do nhiều nguyên nhân, nên đánh giá chung là rất khó.

Tuy nhiên, có một số vấn đề nổi lên là các dự án đều có quá trình đầu tư kéo dài quá thời hạn theo phê duyệt. Như Xơ sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình... Các dự án này không những kéo dài quá trình đầu tư mà đến nay còn chưa quyết toán, dù đã đưa vào vận hành.

Điểm chung của các dự án này là rơi vào thời điểm biến động thị trường thế giới. Dự án kéo dài dẫn đến thị trường thế giới ảnh hưởng mạnh cả về nội dung và việc thực hiện dự án. Ví dụ dầu khí, từ mức hơn 147 USD/thùng trước 2008, sau đó tụt và hiện giữ ở mức thấp, khoảng 40 USD/thùng, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả và tính khả thi của dự án. Các dự án nếu có đi vào sản xuất thương mại cũng không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm nước ngoài đã được khấu hao và có giá thành rất thấp....

Về hạn chế, tồn tại, có nguyên nhân là do năng lực của các tập đoàn, tổng công ty theo phân cấp. Khi được phê duyệt đều thực hiện quản lý đầu tư dự án, chịu trách nhiệm phương án đầu tư và nội dung cụ thể báo cáo khả thi, công nghệ.. Năng lực hạn chế của ban quản lý dự án, của đối tượng được phân công quản lý thể hiện rõ ở dự án Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ...

Cùng với đó là năng lực trong tổ chức đàm phán, ký kết thực hiện dự án liên quan khả năng thực hiện của các nhà thầu. Hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện của nước ta dẫn đến kéo dài, nhiều dự án không thực hiện đúng hợp đồng, đúng theo phê duyệt.

Quá trình thực hiện có vướng mắc thì có yếu tố nước ngoài đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng giải pháp chưa hiệu quả do nhiều lý do.

Do vậy, các dự án trên đều có tồn tại vướng mắc là hiệu quả kinh tế không còn, có đưa vào hoạt động cũng không thể cạnh tranh, thậm chí doanh thu không bù cho chi phí.

Cần phải đánh giá đầy đủ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, căn cứ pháp lý để làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ là các giải pháp cần được nghiên cứu xem xét tổng thể, đảm bảo mục tiêu bảo vệ vốn, lợi ích tài sản nhà nước và doanh nghiệp. Các giải pháp đưa ra phải dựa trên kinh tế thị trường phù hợp với hội nhập và cam kết quốc tế. 

Xem xét làm rõ trách nhiệm và khắc phục cụ thể, từ bán dự án, cho thuê hoặc cổ phần hoá hay giao lại cho doanh nghiệp cùng khai thác, hoặc tuyên bố phá sản. Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành đánh giá toàn diện báo cáo chính phủ, cụ thể là 5 dự án trên, Bộ Công thương đều có nghiên cứu báo cáo giải trình. Sau Kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ có hướng giải quyết triệt để.

Về trách nhiệm thì cần làm thận trọng, đánh giá đúng đầy đủ theo quy định pháp lý, nhất là từng giai đoạn khác nhau, xem xét trách nhiệm các cấp quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân. Trong đó phân định làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, vô tình hay cố tình. 

Ở đây cũng không loại trừ việc cố tình làm sai, làm không đúng trong quản trị doanh nghiệp, dự án. Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, có dự án có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, có dự án có kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính.... Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và sau đó báo cáo đại biểu Quốc hội. Nếu có việc cố tình sai phạm thì chắc chắc xem xét trách nhiệm, kể cả hình sự

ĐB Nguyen-Tien-Sinh

ĐB Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng):

-Cách đây 7 năm, nhiều đại biểu lo lắng về điều kiện kinh tế và sự an toàn của các dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên. Bộ Công thương khi đó đã có văn bản giải trình và cam kết trước Quốc hội. Thực tế hiện nay cho thấy những lo lắng của dư luận và đại biểu là hoàn toàn đúng, thể hiện qua việc thua lỗ, xảy ra sự cố tràn bùn đỏ và hoá chất... Vậy Bộ trưởng đánh giá những ý kiến giải trình, cam kết trước đây của Bộ thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?

ĐB Trần Thị Dung Điện Biên

ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Với hai dự án ở Đắk Nông và Nhân Cơ, thực hiện chủ trương của Chính phủ, các dự án đã được triển khai trong thời gian qua được sự quan tâm rất cao về vấn đề bảo vệ môi trường. Cả hai dự án này được triển khai thực hiện và có sự phê duyệt của Bộ Tài nguyên- Môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.

Trong quá trình thực hiện, các ban quản lý dự án cũng như chính quyền địa phương và cả Bộ Công thương, các Bộ, ngành liên quan đều kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường, từ những vấn đề lớn như giải quyết bùn đỏ cũng như việc thi công thực hiện các hạng mục đầu tư.

Tuy nhiên trong thời gian thi công đã xảy ra một số sự cố, ví dụ như tràn sút của dự án Alumin của nhà máy Nhân Cơ, do mưa và do một số yếu tố của thời tiết làm đê chắn bị vỡ. Việc này cũng đã được nhà thầu và ban quản lý dự án kiểm tra, giải quyết kịp thời.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng):

- Bộ trưởng trả lời như vậy chưa thuyết phục, chưa đi vào câu hỏi. Ý tôi muốn nói là Bộ trưởng đánh giá cam kết trước đây của Bộ Công thương về vấn đề này thế nào, hay nói cách khác là trách nhiệm của Bộ ở đây ra sao để từ đó tìm ra giải pháp? Nếu Bộ trưởng chưa chuẩn bị được thì trả lời bằng văn bản để tôi trả lời cho cử tri.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vấn đề ĐB hỏi, chúng tôi xin phép trả lời bằng văn bản.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình):

-Cử tri rất băn khoăn việc kỷ luật nguyên bộ trưởng. Vì sao lại kỷ luật một nguyên bộ trưởng mà trong các văn bản pháp luật không thấy có quy định về kỷ luật nguyên bộ trưởng này? Vậy căn cứ vào đâu để mà kỷ luật?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Về nội dung chất vấn kỷ luật nguyên bộ trưởng thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không phải trả lời, do đây là việc không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Quốc hội sẽ trả lời vấn đề này.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên):

-Chưa bao giờ người dân mỏng manh trước thiên thai như vậy, điển hình qua việc thuỷ điện Hố Hô và An Khê - Kanak bất ngờ xả lũ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết xử lý sai phạm thế nào, người dân bao giờ được bồi thường? Rà soát thủy điện thế nào, cái gọi là “quy trình vận hành” có được loại bỏ không, liệu dân có được sống an lành không?

ĐB Trần Thị Dung

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, Bộ Công thương đã có báo cáo hơn 20 trang về nghị quyết 62 của nhiệm kỳ trước, trong đó có nêu đầy đủ giải pháp về vấn đề này. Chúng ta không phát triển thủy điện và các dự án năng lượng bằng mọi giá.

Về cơ bản thủy điện đã khai thác hết tiềm năng, các thuỷ điện nhỏ và vừa căn cứ nghị quyết 62 đã xem xét, đánh giá lại và đưa ra quy hoạch nhiều dự án không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Hiện nay chúng ta có hơn 336 dự án thuỷ điện. 

Đối với việc đảm bảo an toàn khi xả lũ của các đập thuỷ điện, chúng ta có 3 yếu tố rất quan trọng. Một là phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Hai là quy trình xả lũ, có quy định trong nghị định Chính phủ. Đối với đập thủy điện có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên do Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt, dưới quy mô đó là do lãnh đạo địa phương phê duyệt.

Thứ ba, các doanh nghiệp, các chủ đập phải cùng tham gia cùng địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ vùng hạ lưu, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu khi xả lũ. Phải có đủ 3 yếu tố này thì các đập thuỷ điện, chủ dự án mới được cấp giấy phép hoạt động.

Cả thuỷ điện Hố Hô, An Khê Kanak hay các đập thuỷ điện khác đều phải đảm bảo an toàn thuỷ điện và an toàn xả lũ mới được cấp phép. Tuy nhiên, có một thực tế xảy ra là các đập khi xả lũ thường xuyên gây bức xúc, ví dụ như vừa qua việc xả lũ của Hố Hô và An Khê Kanak.

Tại sao lại có vấn đề này? Bộ Công thương đã tổ chức đoàn kiểm tra ngay. Thực tế cho thấy, quy trình có nhưng chấp hành còn máy móc. Ví dụ chủ đập phải thông báo cho các xã ở hạ lưu nhưng không nói rõ là thông báo bằng hình thức nào, nên có những thông báo không đến đầy đủ, ví dụ mất điện hay đánh kẻng mà không nghe thấy.

Thứ hai có phương án phòng chống nhưng diễn tập thực hiện chưa tốt. Thậm chí như Hố Hô, khi chủ đập gọi điện thì không nghe máy nên địa phương không đảm bảo được thông tin.

Thứ ba, theo dõi dự báo thời tiết chưa được đảm bảo để chủ động phối hợp xả lũ. Tới đây sẽ đánh giá lại toàn bộ chất lượng phòng chống lụt bão, xem xét tổ chức tập huấn làm rõ trách nhiệm, chế tài kèm theo. 

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên):

-Thuỷ điện Hố Hô xả lũ bất ngờ, không báo trước, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh hoàn toàn không biết, như thuỷ điện An Khê thì Chủ tịch tỉnh Gia Lai không biết. Xả lũ rồi 5h chiều thông báo, người dân không biết đi đâu trong lúc trời tối như vậy. Thừa nhận có vi phạm thì xử lý thế nào để người dân không phải như thế nữa?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Về xả lũ thủy điện Hố Hô, chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng. Đúng là đồng chí Bí thư tỉnh ủy có nói là không biết việc xả lũ này, nhưng thủy điện cho biết có báo cáo với ủy ban phòng chống lụt bão của tỉnh. Tôi cũng có nói là thủy điện Hố Hô có gọi điện báo nhưng một số xã không nghe máy, do đó chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại cả quy trình này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Thủy điện Hố Hô thì Bộ Công thương đã kiểm tra và khẳng định có sai phạm trong thực hiện quy định của pháp luật. Tôi đề nghị Bộ chấn chỉnh lại ngay vấn đề xả lũ của thủy điện, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng dân vẫn phải chịu thiệt hại.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):

-Sau 5 dự án lớn đắp chiếu và thất thoát hàng nghìn tỷ thì còn bao nhiêu dự án nhỏ, đầu tư thất thoát vốn? Trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp thì vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương ở đâu mà mãi sau này mới phát hiện và xử lý?

ĐB Nguyễn Ngọc Phương Quảng Bình

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Về các dự án làm thất thoát vốn nhà nước, cần rút kinh nghiệm từ những dự án lớn để xây dựng quy trình đảm bảo trong quản trị vốn nhà nước, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế ngành. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu về việc các bộ, ngành phải phối hợp quản lý các dự án đầu tư đó.

Với kinh doanh đa cấp, thực tế đã được cấp phép khi Việt Nam gia nhập WTO và đã được thắt chặt hơn. Tuy nhiên gần đây bộc lộ một số vấn đề về quản lý Nhà nước. Có 3 nguyên nhân là khuôn khổ pháp lý còn chưa chặt chẽ, phối hợp quản lý chưa tốt và thứ ba là bán hàng đa cấp có sức hấp dẫn lớn thông qua việc quảng cáo.

Năm 2015, Bộ Công thương nhận thấy nhiều bất cập nên đã tăng cường kiểm tra, phát hiện hàng loạt doanh nghiệp còn có hiện tượng gian dối, thu lợi bất chính. Đầu năm 2016, Bộ đã tăng cường kiểm tra bán hàng đa cấp tại địa phương. Do đó, từ 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã rút giấy phép của 25 đơn vị và xử phạt 14 đơn vị. Bộ Công thương cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi một số văn bản pháp luật.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận):

-Thời gian qua, thiệt hại từ phân bón giả và kém chất lượng là rất lớn. Vừa qua Bộ NN-PTNT phát hiện phân bón hữu cơ giả và đã xử lý, nhưng Bộ Công thương chưa xác định được mức độ sai phạm của phân bón vô cơ. Bộ trưởng cho rằng trong lúc này cần có biện pháp gì? Đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tham gia trả lời để làm rõ thêm vấn đề.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương Ninh Thuận

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Đúng là có sự tồn tại những sai phạm và vi phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón, đặc biệt là phân bón giả, kém chất lượng. Bộ Công thương đã tổ chức kiểm tra trong tháng 5 và tháng 6 đã có phát hiện một số vi phạm và đã xử lý. Biện pháp trước mắt là sắp tới là sẽ hoàn thành sớm về quy chuẩn, phân cấp về quản lý tại các địa phương.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên):

 -Sự cố Formosa vừa xảy ra, Bộ đã phê duyệt ngay dự án thép Cà Ná mặc dù có nhiều ý kiến phản đối. Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc phê duyệt dự án? Có hay không chuyện Bộ chạy theo doanh nghiệp để làm dự án, bất chấp việc hủy hoại môi trường và đánh đổi cuộc sống của người dân?

 

ĐB Phạm Thị Minh Hiền Phú Yên

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Hiện nay sắt thép của chúng ta mới chủ yếu đáp ứng được sắt thép xây dựng, chuyên ngành, còn như thép thô để cán thép, phục vụ cho sản phẩm đầu ra để phát triển kinh tế hầu như chưa có.

Các doanh nghiệp có một số dự án nhưng quy mô còn nhỏ. Chủ trương, quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp... Tôi có thể khẳng định công khai trên diễn đàn Quốc hội, chúng ta không đánh đổi môi trường lấy các dự án công nghiệp bằng mọi giá, cũng không có câu chuyện các dự án thép đưa ra đây để đánh đổi về môi trường. Cũng tại đây, tôi khẳng định không có chuyện lợi ích nhóm. Tại sao lại là lợi ích nhóm khi chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hoà và bền vũng các ngành kinh tế?

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn mỗi năm. Siêu dự án tiến hành theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.

Tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản cam kết cung cấp nước cho dự án này. Giai đoạn I dự kiến công suất là 4,5 triệu tấn thép một năm, với mức tiêu thụ nước bình quân khoảng 7m3 nước trên một tấn thép, mỗi ngày cần khoảng 8.500 m3 nước. Theo cam kết của tỉnh, năm 2017 có thể cung ứng 30.000 m3 nước một ngày đêm, đủ cho nhu cầu sản xuất của dự án.

Chúng tôi khẳng định, quy hoạch ngành thép có từ 2011, và dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận được làm đầy đủ các quy trình thủ tục. Sau năm 2008-2009, dự án này không được thực hiện vì năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề nên dự án đưa ra khỏi quy hoạch

Tuy nhiên, cuối năm 2015, dự án này tiếp tục được nghiên cứu, Tập đoàn Tôn Hoa Sen làm việc với tỉnh Ninh Thuận xin đưa dự án vào quy hoạch thép, đồng thời xin chủ trương đầu tư thực hiện dự án với cam kết đảm bảo yêu cầu về môi trường, công nghệ.

Căn cứ trên nhu cầu thực tiễn cũng như quy hoạch đánh giá hiện trạng, Bộ Công thương báo cáo với Quốc hội đây mới chỉ là điều chỉnh về quy hoạch, quy hoạch chỉ xây dựng trên cơ sở đánh giá về những lợi thế của chúng ta, phù hợp với việc phục vụ cho phát triển các dự án đầu tư chứ không phải dự án đầu tư đã được phê duyệt.

Nói về môi trường và dự án Cà Ná, có nhiều ý kiến hỏi chúng ta có đánh đổi muối của Cà Ná để lấy thép hay không, chúng tôi nghĩ đây không phải đánh đổi, đây là quan điểm về sự phát triển bền vững, hài hoà để phát triển kinh tế, khai thác những lợi thế của đất nước. Dự án thép Cà Ná đã được xem xét một cách cẩn trọng với đầy đủ các quy trình, sau đó đã được phê duyệt mới đây nhất về quy hoạch thép. Tuy nhiên, để đảm bảo việc đầu tư dự án này được có hiệu quả và đảm bảo về môi trường, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các Bộ ngành phải phối hợp làm rõ với chủ đầu tư và địa phương về các nội dung liên quan đến các báo cáo tiền khả thi của dự án, kể cả những chi tiết liên quan đến công nghệ, thiết bị, phương án xử lý chất thải cũng như phương án bảo vệ môi trường, hiệu suất của dự án...

Chúng tôi xin khẳng định công tác liên quan đến điều chỉnh, quản lý quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật với sự tham gia của các bộ, ngành. Trong quá trình xây dựng thực hiện các dự án, không chỉ là thép Cà Ná mà còn có dự án thép của Dung Quất cũng như các dự án khác sẽ đảm bảo đúng quy trình thủ tục, dựa trên nguyên tắc đảm bảo môi trường, bằng những kinh nghiệm đã rút ra từ dự án thép Formosa.

Cuối giờ buổi sáng, vẫn còn 18 đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn đối với tư lệnh ngành Công thương. Vào 30 phút đầu phiên trong làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục trả lời các chất vấn này.

Trước đó, mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn theo những nhóm vấn đề trọng tâm, đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến. 

Chất vấn theo hướng tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng những vấn đề đặt ra trong đời sống, đáp ứng những vấn đề cử tri mong mỏi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. Những chất vấn liên quan đến số liệu cụ thể, tài liệu nhiều, thì bộ trưởng có thể trả lời về quan điểm, giải pháp, sau đó cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.