Giao thông

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đầu tư dự án lớn cần tính toán thận trọng

22/10/2014, 08:47

Sáng 21/10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chia sẻ với báo chí xung quanh những vấn đề nóng về các dự án giao thông, trong đó có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

ĐBQH - Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời báo chí bên hành lang QH
ĐBQH - Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời báo chí bên hành lang QH

Làm dự án lớn phải có quá trình

Nhiều đại biểu và cử tri băn khoăn đặt câu hỏi, xây mới CHK quốc tế Long Thành tại thời điểm này có phù hợp không, thưa Bộ trưởng?

Nhân dân và Quốc hội chia sẻ, góp ý về dự án CHK quốc tế Long Thành là thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm với đất nước. Trong bối cảnh không thể mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, rất cần phải đầu tư một CHK mới để phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước. Việc trình dự án CHK quốc tế Long Thành lần này không phải để phê duyệt triển khai ngay, mà chỉ trình để xin chủ trương. Còn từ chủ trương cho đến lập báo cáo khả thi và xây dựng còn cả quá trình lâu dài, không thể nhanh được.

Nhu cầu đến năm 2025 mới cần CHK quốc tế Long Thành san tải CHK quốc tế cho Tân Sơn Nhất, nhưng để lúc đó có sân bay hoạt động thì ngay từ bây giờ đã phải chuẩn bị. Nhưng kể cả lần này Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (tất nhiên đến giờ QH đã quyết định chưa thông qua rồi) thì phải tiếp tục làm báo cáo khả thi và tiếp tục trình QH lần nữa, lúc đó QH mới quyết định là có làm hay không. Theo Nghị quyết 49, thì dự án này phải trình qua hai kỳ họp của QH.

Đó là chưa kể, những tác động của dự án đối với vấn đề nợ công, thưa Bộ trưởng?

Trong thời điểm này là khó khăn, mặc dù trong báo cáo của Chính phủ, nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng tốc độ đang tăng nhanh. Do đó, việc đầu tư những dự án lớn, dài hạn càng phải tính toán một cách thận trọng trong bối cảnh chung của đất nước. Dự án CHK quốc tế Long Thành cũng vậy, cần tính toán để đảm bảo các tiêu chí quản lý nợ công cũng như trả nợ mà Quốc hội đã đề ra.

Không phải tôi là Bộ trưởng GTVT nên muốn dự án này triển khai bằng được. Tôi cũng là Đại biểu Quốc hội, khi quyết định vấn đề gì cũng phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân. Vấn đề dư luận và Quốc hội quan tâm là chất lượng công trình chứ không phải cứ quyết nhanh và làm, tránh trượt giá. Chất lượng công trình có tốt thì mới phê duyệt được. Dự án đưa ra thời điểm này là khó khăn, bất lợi, khi QH đang bàn rất kỹ về nợ công, trong khi đây là một dự án rất lớn, ít nhiều làm tăng nợ công. Theo tính toán, nếu tôi nhớ không nhầm, tác động đến nợ công ở mức 0,092. Nhưng khi nợ công đã ở mức phải kiểm soát thì 0,01 cũng là tác động, bởi nhiều cái 0,01 dồn lại nó sẽ thành 1, rồi sẽ thành 10, cho nên đã đến mức phải kiểm soát thì nhỏ cũng phải tính đến.

Huy động vốn từ nhiều nguồn

Thưa Bộ trưởng, một trong những vấn đề Quốc hội và nhân dân lo ngại là nguồn vốn khá lớn đầu tư cho dự án sẽ được giải quyết thế nào?

Để đảm bảo chính xác hơn và đầy đủ nội dung hơn theo yêu cầu của Quốc hội và người dân thì cần thời gian, vì cái đó nằm trong báo cáo khả thi, nhưng Quốc hội chưa đồng ý về chủ trương thì chưa thể có báo cáo khả thi. Hiện nay, khái toán tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 7,8 tỷ  USD, chia làm hai giai đoạn 1a và 1b. Số tiền này được huy động từ nhiều nguồn, ngân sách chỉ lo GPMB và một số hạng mục như xây trụ sở các cơ quan hải quan, thuế... dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Còn lại được đầu tư theo hình thức đối tác Công - tư. DN bỏ tiền đầu tư, cũng như DN vay lại vốn ODA của Chính phủ. Chính phủ vay ODA và cho DN vay lại. DN có trách nhiệm quản lý đầu tư và trả nợ. Thực tế, việc này đã và đang được thực hiện tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Và thực tế nhiều năm qua Tổng công ty Cảng hàng không VN đã trả nợ tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có lãi. Tuy nhiên, 24 nghìn tỷ đồng cũng là lớn trong bối cảnh bây giờ.

Liệu trượt giá có là một trong những vấn đề thúc đẩy sự cần thiết phải đầu tư xây dựng sớm CHK quốc tế Long Thành, thưa Bộ trưởng?

Các dự án CHK làm không trượt giá, như Tân Sơn Nhất, Nội Bài không trượt giá. Nhiều dự án giao thông lớn đang triển khai như QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng không trượt giá mà vẫn có dư. Trước đây, có một số dự án giao thông do thi công quá chậm nên bị trượt giá hoặc khi phê duyệt dự án sớm, nhưng triển khai chậm nên trượt giá.

Theo Bộ trưởng, đầu tư CHK có hiệu quả không?

Tổng công ty Cảng Hàng không VN hàng năm vẫn hoạt động tốt và có lãi. Tất nhiên, quá trình hoạt động có vấn đề còn tồn tại, cần phải chấn chỉnh và nâng cao hơn nữa để hiệu quả. Việc tiếp tục đầu tư là cần thiết. Một đất nước phát triển, hội nhập thì không thể không phát triển CHK xứng tầm.

Nếu triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành thì những dự án khác, chẳng hạn như đường sắt Bắc - Nam có ảnh hưởng gì không, thưa Bộ trưởng?

Đầu tư một dự án cụ thể về giao thông phải xem xét trên tổng thể tái cơ cấu ngành GTVT và tái cơ cấu ngành cũng phải đặt trong tổng thể tái cơ cấu của cả nền kinh tế. Nên khi tính toán đầu tư một dự án, đầu tư hàng không cũng phải gắn với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ngược lại. Gắn kết giữa các phương thức vận tải để tạo sự thống nhất, tổng thể, hiệu quả. Cái yếu của ta hiện nay là khả năng kết nối giữa các phương thức, hàng không biết hàng không, đường sắt biết đường sắt. Làm sao để đi từ Lào Cai vào TP Hồ Chí Minh, người ta chỉ cần mua một cái vé là tự khắc sẽ vào đến nơi, không cần biết phải mua vé tàu đến đâu, đường sắt đến đâu, hàng không đến đâu. Sau này kết nối sẽ như vậy.

Dự án đường sắt Bắc - Nam không phải là sẽ chậm lại mà dự án đó cũng chưa báo cáo Quốc hội. Phía Nhật Bản đang giúp đỡ, nhưng cũng sẽ phải có sự phân kỳ, làm từng đoạn một. Phía bạn tư vấn cho ta sẽ làm trước đoạn TP HCM - Nha Trang, rồi đoạn Hà Nội - Vinh... là những đoạn tuyến có mật độ cao.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bình Minh - Thiện Anh (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.