Xã hội

Bộ trưởng Giao thông: Luật Đê điều đang "gây khó" cho địa phương làm cầu

18/11/2019, 16:57

Tham gia thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đê điều, Bộ trưởng GTVT cho rằng, quy định hiện hành đang "gây khó" cho địa phương làm cầu.

img
Luật Đê điều hiện hành đang có quy định "gây khó" cho địa phương khi làm cầu

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đê điều, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề cập đến một số vấn đề theo ông là chưa phù hợp, có thể gây lãng phí trong điều kiện hiện nay.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, Luật Đê điều hiện hành quy định xây dựng 1 cái cầu đi qua sông có 2 đê, mố cầu không được vi phạm phạm vi đê. Điều này có nghĩa, cây cầu sẽ phải bắc dài hết qua phạm vi hai con đê, tức chi phí làm cầu sẽ tăng cao hơn.

“Quy định trên phù hợp với giai đoạn trước đây, khi hệ thống đê điều chưa hoàn chỉnh, nước mùa lũ có thể tràn ra phạm vi đê, thậm chí ngấp nghé mặt đê. Còn những năm gần đây, do đã điều tiết được nước trên thượng nguồn, sông Hồng hoặc 1 số sông có đê khác, không còn nước lũ tràn về lớn. Do đó, nếu áp dụng quy định cũ thì không còn phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và đề xuất, dự thảo Luật Đê điều nên được xây dựng theo hướng cầu không phải bắc qua hết từ đê này qua đê kia mà nên chừa khẩu độ ở dòng sông và 1 phần ở trên bờ, đảm bảo khi lũ lớn, vẫn điều thoát lũ tốt. Phần còn lại từ mố cầu cho đến đê, có thể san lấp, làm đường, và kè mái bê tông làm sao tránh xói lở.

“Chúng ta có thể căn cứ khả năng thoát lũ để tính chiều dài cầu. Như vậy thì sẽ thuận cho các địa phương, nhất là các địa phương có dòng sông có đê hai bên, bởi lúc đó chúng ta tính chiều dài cầu có thể nhỏ hơn việc cầu phải chạy hết hai con đê, mà vẫn phù hợp điều kiện thoát lũ tốt", Bộ trưởng Thể nói.

Dẫn câu chuyện làm cầu qua sông Hồng, Người đứng đầu Bộ GTVT phân tích: khi địa phương làm cầu vượt sông Hồng cũng xin ý kiến Bộ. Về nguyên tắc, Bộ sẽ tính thoát lũ được, nhưng về Luật Đê điều lại không cho phép, bắt buộc từ mố cầu này qua mố kia dứt khoát không đụng tới đê, giữa 2 đê phải làm cầu toàn bộ. Do đó, hết sức khó khăn cho địa phương.

“Chúng tôi đề xuất điều chỉnh này là để phù hợp điều kiện thực tiễn, giúp công tác hiện đại hoá các tuyến cầu, tuyến đường tốt hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng Luật Đê điều cần phải sửa trên cơ sở tình hình mới.

“Chúng ta phải xem bây giờ hệ thống đê điều của chúng ta ở các tỉnh miền Bắc có vai trò giống như trước không khi chúng ta đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào hệ thống các hồ đập”, ông Kiên nói và nhấn mạnh: Chúng ta đều khẳng định đã cơ bản cắt xong lũ của hệ thống sông Hồng. Như vậy, phương án đê như thế nào cho phù hợp?

“Trước năm 1986, chúng ta đưa được tuyến vận tải thuỷ cấp 1 lên đến Việt Trì, đến bây giờ thì không lên được. Ngay bây giờ, ra đến cảng Phà Đen đã cực kỳ khó khăn khi mực nước sông Hồng xuống thấp thế. Mà chúng ta vẫn quy định cầu chỉ ở bên trong đê chứ không được bên ngoài sông, như vậy có hợp lý không?” ĐB Kiên đặt câu hỏi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.