Phát triển - Kết nối

Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Giao thông thúc đẩy phát triển vùng dân tộc, miền núi

14/12/2021, 15:55

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn của Báo Giao thông.

Trao đổi với Báo Giao thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã thông tin một số kết quả đạt được về chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là tiến độ triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14.

img

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, dành nhiều cơ chế, nguồn lực phát triển, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN). Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết sơ bộ những kết quả chính về sự phát triển vùng đồng bào DTTS& MN trong những năm qua?

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS & MN, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chính sách đã đạt được kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực.

Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.300 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Vùng DTTS & MN đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 106 xã từ đặc biệt khó khăn phấn đấu trở thành xã nông thôn mới.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS & MN ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt, tỷ lệ từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông tăng 1,7%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng 8%, trung học cơ sở tăng 9%, trung học phổ thông tăng 14,7%.

Chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm. Đã xây dựng được 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 4 trường dự bị đại học dân tộc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em các dân tộc.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Đến nay, vùng DTTS & MN có 99,5% số xã có trạm y tế, 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 77,2% số trạm y tế có bác sỹ; 93% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết giảm 5,6%.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quan tâm, có chuyển biến rõ nét hơn. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,5%; trong đó, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp chiếm 17,2%. Đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc thiểu số có 89 người, chiếm 17,8 %; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là người dân tộc thiểu số có 13 người, chiếm 7,5%.

Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt 11,7%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,8%; ủy viên ban thường vụ đạt tỷ lệ 11,8%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,5%; bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 6 người, đạt 9,2%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,5%...

Hiện nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hỗ trợ đồng bào ở các vùng dịch như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch bệnh, Ủy ban Dân tộc đã triển khai công tác hỗ trợ đồng bào DTTS, nhất là đồng bào ở vùng dịch trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các địa phương triển khai các hình thức tuyên truyền như phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số, truyền hình, pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, cẩm nang tuyên truyền về các thông tin liên quan đến bệnh dịch, hướng dẫn cách phòng, chống dịch, các quy định về cách ly.

Phát huy vai trò người có uy tín trong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào phòng, chống dịch bệnh.

Thứ hai, đôn đốc triển khai các gói cứu trợ của nhà nước đến vùng đồng bào DTTS bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ kịp thời đối với lao động là người DTTS từ vùng dịch trở về địa phương; xem xét, hỗ trợ bệnh nhân nhiễm Covid-19, đồng bào phải cách ly theo qui định góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Thứ ba, phối hợp với các địa phương, cập nhật số liệu kịp thời và có đánh giá hàng tuần kết quả phòng chống dịch bệnh, đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 vùng đồng bào DTTS.

Các Vụ, đơn vị Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc các tỉnh hàng ngày tổng hợp, rà soát trong hơn 16 ngàn đồng bào DTTS bị nhiễm Covid-19 đề xuất Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định hỗ trợ nhiều đợt cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, các cháu học sinh trường dự bị Đại học TP.HCM bị nhiễm Covid-19 với tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng.

Vậy dịch bệnh có làm ảnh hưởng đến việc triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 đến các vùng đồng bào DTTS và miền núi không?

Đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt với làn sóng lần thứ 4 tại Việt Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai các chính sách dân tộc nói chung, cũng như các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 88/2019/QH19 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo.

Cụ thể, đại dịch Covid-19 khiến cho nguồn thu của ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, trong khi phát sinh việc ưu tiên bố trí kinh phí cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Nên có thể dẫn đến những khó khăn trong việc bố trí, cân đối nguồn lực thực hiện các chương trình, chính sách bao gồm cả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021-2030 như kế hoạch đề ra.

Hai là, với diễn biến của tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới như hiện nay, dự báo tỷ lệ hộ nghèo cả nước nói chung, vùng DTTS & MN nói riêng, đặc biệt là hộ nghèo người dân tộc thiểu số sẽ có thay đổi theo chiều hướng tăng lên, dẫn đến sự phát sinh gia tăng nhu cầu và nguồn lực triển khai.

Đồng nghĩa với việc hoàn thành các mục tiêu của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Ba là, đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia với quy mô lớn dành riêng cho vùng đồng bào DTTS & MN. Việc đưa các nhiệm vụ, chính sách của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia vào triển khai trên thực tiễn vùng đồng bào DTTS & MN vốn đã mang những khó khăn đặc thù, lại trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn từ điều kiện của địa phương, cấp cơ sở, nhất là trong những năm đầu của giai đoạn 2021-2025.

img

Giao thông kết nối đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch cộng đồng

Theo Bộ trưởng, giao thông đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền núi?

Giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS & MN. Giao thông kết nối đã thúc đẩy phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch cộng đồng.

Vì vậy cần phải xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển để tăng trưởng ổn định phát triển kinh tế, xã hội bền vững trên cả nước, nhất là ở vùng đồng bào DTTS & MN, nơi mà đi lại còn nhiều khó khăn, mưa lũ gây sạt lở chia cắt.

Ủy ban Dân tộc đã tích cực, chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chương trình, dự án, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS & MN, trong đó có chương trình phát triển hạ tầng giao thông ở vùng đồng bào DTTS & MN.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.