Tài chính

GDP bình quân đầu người Việt Nam mới ngang Hàn Quốc những năm 1980

30/01/2019, 19:16

Hiện thu nhập mỗi người dân Việt Nam chỉ ngang bằng Malaysia năm 1990, Thái Lan năm 2003, Indonesia năm 2009, Hàn Quốc những năm 1980.

img
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Tại “Chương trình chia sẻ tầm nhìn 2019” ngày 30/1, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 30 năm Việt Nam từ nước một nước lạc hậu, trên 80% dân số sống ở nông thôn, đến nay Việt Nam đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội làm thay đổi diện mạo đất nước, vươn lên nước có thu nhập trung bình.

Về kinh tế, chúng ta đã duy trì tốc độ phát triển ở mức khá trong thời gian dài, từ 1989-2018 có tốc độ tăng GDP bình quân đạt 6,8%/năm, mức cao trong khu vực ASEAN; quy mô nền kinh tế tăng 39 lần từ 6,3 tỷ USD năm 1989 lên 244,9 tỷ USD năm 2018.

Tuy nhiên, Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng, nếu so với các nước khác trong khu vực còn khiêm tốn. Đơn cử, năm 2017 GDP Indonesia gấp 4,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,4 lần, Hàn Quốc gấp 6,8 lần.

Riêng về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 37,4 lần, từ 94 USD/người năm 1989 lên 2.587 USD/người năm 2018. “Việt Nam thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Bình quân đầu người hiện nay đứng thứ 136/188 quốc gia, lãnh thổ. Mức này chỉ ngang bằng Malaysia năm 1990, Thái Lan năm 2003, Indonesia năm 2009, Hàn Quốc những năm 1980”, ông Dũng nói.

Do đó, với mục tiêu phấn đấu từ thu nhập bình quân 2.587 USD/người/năm hiện nay lên 10.000 USD/người/năm, tức là mức thu nhập trung bình cao, theo Bộ trưởng còn khó khăn.

Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, Việt Nam còn đối mặt với các thách thức trong phát triển kinh tế như ô nhiễm môi trường, rác thải, úng ngập, tắc nghẽn giao thông..., tác động lên tăng trưởng và sức khỏe con người.

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới phải coi phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là mục tiêu, là động lực của tăng trưởng. Đồng thời, phải "bắt kịp chuyến tàu" cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt là khơi thông sức mạnh con người, nhất là trong điều kiện hơn 58,5% dân số cả nước trong độ tuổi lao động - thời kỳ dân số vàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.