Việt Nam thường tạo kỳ tích trong lúc gian nguy nhất
Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn.
Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực” với tăng trưởng GDP quý 1 năm 2020 đạt 3,82%, xuất siêu thương mại 3 tỷ USD... Tuy nhiên, với nền kinh tế mở cửa và hội nhập sâu rộng, Việt Nam không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch nói trên. Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với “khó khăn kép” như thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và bị giảm mạnh đầu ra.
"Phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức như: Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có thể diễn ra mạnh, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam bị thâu tóm với giá rẻ", ông Dũng cho biết.
Khó khăn của thực tiễn đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ? "Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và thường tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất", Bộ trưởng Dũng nói.
Theo ông Dũng, uy tín và vị thế của Việt Nam qua việc phòng chống đại dịch Covid-19 đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn. Bên cạnh đó, vận hội mới đang mở ra cho đất nước thông qua việc tham gia sâu vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song và đa phương như CPTPP, EVFTA…
"Đây là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để đổi mới trang thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam", ông Dũng phân tích.
Bộ trưởng nói: "Ngay lúc này cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng".
Xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng
Tại hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT gợi mở 6 định hướng, đề xuất gửi Chính phủ, bộ ngành và doanh nghiệp bàn luận để vượt qua khó khăn trước mắt.
Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa. Tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử. Xem xét hỗ trợ các DN tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân…
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất.
Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử… nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.
Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cản thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.
Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị Chính phủ "kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận